Tự do và trói buộc

Một trong những đề tài nói chuyện gây nhiều ngộ nhận nhất là khi Krishnamurti nói về sự trói buộc và gánh nặng mà con người phải mang trên vai trong hàng ngàn năm qua: Truyền thống, văn hóa, kiến thức… là những nét tinh túy của nhân loại trong cuộc tiến hóa. Với Krishnamurti thì không có truyền thống tốt và truyền thống xấu, tất cả đều là những áp lực nặng nề trên tâm trí tội nghiệp của con người…
Krishnamurti xem trọng sự khai mở tinh thần tự do trong mỗi con người, và do đó tất cả những gì ngáng trở tự do đều bị ông cảnh báo. Bản thân là một người sinh trưởng trong gia đình có truyền thống Bà-la-môn lâu đời trong xã hội Ấn, có lẽ Krishnamurti hiểu được truyền thống và văn hóa đã tạo một sức ép khủng khiếp đến thế nào lên tâm trí nhỏ nhoi của con người. Truyền thống giúp con người cảm thấy an toàn trong môi trường sống, giúp con người biết cách hành xử trơn tru trong nhiều tình huống, nhưng nó đã trở thành một định mệnh đóng khung mỗi con người, bất kể truyền thống đó thuộc Đông hay Tây, tốt hay xấu như thế nào.
“Truyền thống mang quá khứ vào hiện tại. Quá khứ không chỉ là sự thừa hưởng cho riêng cá nhân, mà còn là sức nặng của tư tưởng cộng đồng trên một nhóm người sống trong một nền văn hóa và truyền thống. Người ta mang theo mình kiến thức và kinh nghiệm tích lũy của nòi giống và gia tộc.
Từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, tâm trí chúng ta bị định hình bởi một nền văn hóa đặc thù theo một khuôn mẫu hạn hẹp là cái tôi. Trong nhiều thế kỷ chúng ta bị khuôn định bởi quốc tịch, đẳng cấp, giai cấp, truyền thống, tôn giáo, ngôn ngữ, giáo dục, văn chương, nghệ thuật, tập quán, phong tục, sự truyền thừa các thứ, áp lực kinh tế, thực phẩm ta dùng, khí hậu nơi ta sống, gia đình, bạn bè, kinh nghiệm – mọi ảnh hưởng có thể có – và do đó đáp ứng của chúng ta trước mọi vấn đề đều bị đóng khung…
Các bạn chỉ tự nhận ra mình bị đóng khung như thế nào khi có xung đột trong mong muốn kéo dài lạc thú hay lẩn tránh đau khổ. Nếu mọi thứ hoàn toàn vui vẻ quanh mình, như vợ bạn yêu bạn, bạn yêu cô ấy, bạn có nhà đẹp, con xinh và lắm tiền, lúc đó bạn chẳng hề nhận ra sự bạn đã bị đóng khung. Nhưng khi có phiền toái – khi vợ bạn để mắt đến người khác hay khi bạn mất tiền, bị chiến tranh đe dọa, hay gặp đau khổ, lo âu – lúc này bạn mới biết mình bị đóng khung… Hầu hết chúng ta lúc nào cũng bị phiền toái, dù nghiêm trọng hay không đáng kể, chính sự phiền toái đó biểu thị chúng ta bị đóng khung”.
Sự khuôn định và sức ép lên tâm trí con người không chỉ từ quá khứ xa xôi như truyền thống và văn hóa, mà còn do nội dung tích lũy vào trong ký ức từ kinh nghiệm, kiến thức trong quá trình sống. Kinh nghiệm và kiến thức luôn được xem trọng vì nó giúp con người xoay sở hiệu quả trong cuộc sống. Tuy nhiên, bởi vì trông cậy quá nhiều vào kinh nghiệm và kiến thức, hành động và suy nghĩ của con người trở nên máy móc, khô cằn trong một cái khuôn đã định sẵn.
Krishnamurti cho rằng tâm trí phải vượt thoát khỏi kiến thức thì nó mới trở nên tự do được. Kiến thức mà Krishnamurti đề cập ở đây không phải là kiến thức tìm hiểu về thực tiễn cuộc sống chung quanh, trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, toán học… mà ông muốn nói đến định kiến được dùng trong nỗ lực truy tìm hạnh phúc trong lãnh vực tâm lý hay tinh thần của con người. Chính sự trói buộc do định kiến, do kiến thức, do kinh nghiệm, dù là thu nạp từ người khác hay từ sự tìm hiểu chính mình, mà con người mất đi tự do, mất đi tính tự phát, và do đó càng xa rời hạnh phúc.
Hơn nữa, kiến thức bao hàm sự áp đặt của người biết, người có kiến thức áp đặt lên người không biết, tức là người không biết phải chịu một áp lực để thu nạp được cái biết, thu nạp được kiến thức. Krishnamurti nói:
“Chúng ta học qua nghiên cứu, qua kinh nghiệm, qua sự chỉ bảo. Điều học được tích chứa trong trí nhớ thành kiến thức, và kiến thức đó vận hành khi có thách đố hay khi chúng ta cần làm việc gì đó. Tuy vậy, tôi nghĩ có một cách học hoàn toàn khác biệt, nhưng muốn học hiểu theo cách đó, chúng ta phải hoàn toàn loại bỏ áp lực, nếu không chúng ta chỉ nghe lời dạy và lặp lại những gì chúng ta nghe.
Chính vì lý do hết sức quan trọng đó mà chúng ta cần phải hiểu bản chất của áp lực. Áp lực ngăn cản học hỏi, theo nghĩa học hỏi không phải là sự tích lũy kiến thức vào trí nhớ. Trí nhớ luôn luôn đáp ứng theo khuôn mẫu, vì thế nó không có tự do. Người nào mang nặng kiến thức cùng với các lời huấn thị, người nào oằn vai bởi các thứ anh ta đã học, chẳng bao giờ có tự do. Anh ta có thể là người uyên bác phi thường nhất, nhưng sự tích lũy kiến thức ngăn cản anh ta tự do, và do đó không có khả năng học hỏi.
Chúng ta tích lũy nhiều dạng kiến thức: khoa học, sinh lý học, kỹ thuật, và vân vân – và kiến thức này cần cho lợi ích của con người. Nhưng chúng ta cũng tích lũy kiến thức để được an toàn, để sinh hoạt mà không bị phiền toái, để hành động lúc nào cũng trong vòng phạm vi cái đã biết và do đó cảm thấy an toàn. Không bao giờ chúng ta muốn rơi vào bất định, và do đó chúng ta tích lũy kiến thức. Sự tích lũy thuộc tâm lý này là điều tôi đang nói, và chính nó đã ngăn chặn tự do hoàn toàn.
Vì thế khi bắt đầu tìm hiểu tự do, người ta không những cần đặt vấn đề về áp lực thôi mà còn về kiến thức nữa. Nếu chúng ta chỉ thu nhận lời dạy dỗ, nếu chúng ta chỉ tích lũy điều nghe được, điều đọc được, điều kinh nghiệm được, lúc ấy chúng ta sẽ thấy rằng mình không bao giờ tự do, bởi vì chúng ta luôn hành xử luẩn quẩn trong khuôn mẫu của cái đã biết. Đó là điều thực sự xảy ra với hầu hết chúng ta, vậy phải làm gì đây?
Để học biết về chính mình, để biết chính mình, chúng ta phải quan sát mình với một sự tươi tắn, mới mẻ, với sự tự do. Chúng ta không thể học biết về chính mình nếu chúng ta chỉ biết áp dụng kiến thức, tức là nhìn lại chính mình trong phạm vi những điều đã học được từ người dạy, từ sách vở, hay từ kinh nghiệm của chính mình.
Bản thân chúng ta là một thực thể kỳ lạ; nó là một bản thể phức tạp, sinh động, sống động lạ thường, thường xuyên thay đổi, trải qua đủ thứ kinh nghiệm. Nó là một năng lực cuồn cuộn bao la, và không ai có thể dạy chúng ta về nó – chẳng có ai cả. Đó là điểm tiên quyết cần biết. Một khi nhận ra được điều đó, thực sự thấy được chân lý về nó, là đã giải thoát khỏi một gánh nặng: Chúng ta không còn tìm kiếm ai đó bảo ban cho mình biết phải làm gì. Đó là lúc hương thơm lạ thường của tự do bừng khởi ”
Tự do mà Krishnamurti hướng tới được hiểu là giải thoát tâm trí khỏi những trói buộc do những khái niệm, định nghĩa, kết luận từ quá khứ gây nên trên tâm thức con người, bất kể sự trói buộc đó được xem là tốt hay xấu. Con người có tâm thái tự do là con người thoát khỏi sự khuôn định từ quá khứ.
Tự do mà Krishnamurti nói ở đây không liên quan gì đến những quyền tự do thuộc lãnh vực chính trị, dân sinh hay xã hội, không có liên quan nào đến hành động cụ thể để biểu lộ ý chí hay ý muốn, nhưng hiểu theo nghĩa “giải thoát” về mặt tâm thức thì đúng hơn. Nó là dòng trải nghiệm nội tại, không chủ quan và cũng không khách quan.
“Tự do là một trải nghiệm thuộc tâm thức – không phải tự do khỏi cái gì – chỉ là một cảm thức tự do, tự do để hồ nghi và tra hỏi mọi thứ, và vì thế nó mãnh liệt, tích cực, sống động đến mức nó vất đi mọi hình thức lệ thuộc, nô lệ, thích nghi, và chấp nhận. Tự do như thế hàm ý trọn vẹn một cách toàn triệt. Nhưng có thể nào một tâm trí sinh trưởng trong một nền văn hóa quá lệ thuộc vào hoàn cảnh và chạy theo xu hướng chung như vậy lại tìm được thứ tự do tĩnh lặng toàn triệt, không có huấn thị, không có truyền thống, không có áp lực?
Không có tự do thì sẽ không có sáng tạo. Ý tôi không nói đến chuyện tự do muốn làm gì thì làm: Leo lên xe lạng lách như bay, thích nghĩ gì thì nghĩ, hay đắm chìm trong một hoạt động nào đó. Đối với tôi dường như những hình thức tự do như vậy không thực sự là tự do. Nhưng có sự tự do thuộc tâm trí không ?… Nếu quan sát chúng ta sẽ thấy rằng lằn ranh của tự do đang trở nên hết sức hạn hẹp; tâm trí chúng ta bị định hình theo chính trị, tôn giáo, kỹ thuật, và cuộc sống hàng ngày của chúng ta đang làm giảm thiểu phẩm chất tự do. Chúng ta càng văn minh thì càng ít tự do.
Tôi không biết các bạn có thấy nền văn minh đang biến chúng ta thành những kỹ thuật gia hay không, và một tâm trí hình thành quanh một kỹ thuật thì không phải là một tâm trí tự do. Một tâm trí bị định hình bởi tín điều, bởi các tổ chức không phải là một tâm trí tự do… Tâm trí chúng ta bị trói buộc bởi tín điều và giáo điều của các tổ chức trên khắp thế giới. Nền giáo dục của chúng ta hầu hết là một quá trình thu nạp kiến thức nhiều hơn để dễ kiếm sống, và mọi thứ quanh chúng ta đang định hình tâm trí chúng ta, mọi hình thức gây ra ảnh hưởng đang điều động, khống chế chúng ta. Vì thế lằn ranh của tự do ngày càng hẹp hơn, hẹp hơn.
Áp lực kinh khủng của vẻ đáng kính, sự chấp nhận của cộng đồng, các nỗi sợ hãi, âu lo của chúng ta – tất cả các thứ này chắc chắn làm suy giảm phẩm chất tự do.
Để có sự tự do này, thiết yếu phải biết tự tri: biết được cách thức chúng ta suy nghĩ và trong quá trình đó biết được toàn bộ cấu trúc tâm trí chúng ta… Sau khi xem xét nhiều khía cạnh cuộc sống, tôi thấy rằng vấn đề chính yếu là vấn đề về tự do. Bởi vì chỉ trong tự do chúng ta mới khám phá được, chỉ trong tự do mới có tâm trí sáng tạo, chỉ khi nào tâm trí tự do mới có một năng lực vô tận – và chính năng lực này là biến dịch của thực tại. ”
Tự do theo Krishnamurti không phải nằm ở cuối một quá trình phấn đấu kiên trì, không phải là tiêu đích nhắm đến, không phải là phần thưởng dành cho những ai nỗ lực lâu dài. Tự do là tâm thái ở ngay phút ban đầu, ngay bước khởi hành, là điều kiện thiết yếu để tâm trí có thể vươn xa. Như vậy đối với Krishnamurti, tự do là nền tảng chứ không phải là cứu cánh, và vì thế tự do không có bắt đầu và không có chấm dứt, không có đầu tiên và cuối cùng, chỉ có tâm thái tự do hoặc là không tự do.
Nguồn: yenlang.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ