Liên hệ giữa tư tưởng và ý thức?

Người hỏi: Sự liên quan giữa tư-tưởng và ý-thức thì như thế nào? Tại sao chúng ta dường như không thể vượt thoát khỏi tư tưởng?
J. Krishnamurti: Tư tưởng là gì, ý thức là gì? Hai cái đó có khác nhau chăng? Khi bạn nói mối quan hệ giữa tư tưởng và ý thức là gì, không phải điều đó ngụ ý rằng có hai thực thể khác nhau, hoặc là hai sự vận hành khác nhau sao?

Trước hết chúng ta hãy cùng nhau xem xét tư-tưởng là gì, vì toàn thể câu hỏi cho thấy rằng tất cả hành vi đạo đức, cách cư xử, hoạt động của chúng ta đều dựa trên tư tưởng. Tư-tưởng là một phần của những xúc động, cảm giác, phản ứng và sự thừa nhận những phản ứng này. Còn ý-thức là gì? Ý thức một điều gì đó, hay có khả năng nhận ra, nhận thức, hiểu biết, đó là toàn bộ phạm vi mà tâm trí hoạt động, không nhiều thì ít đó là điều chúng ta ám chỉ ý thức.

Vị thính giả hỏi rằng, mối quan hệ giữa cả hai là gì? Hết thảy hoạt động của chúng ta đều dựa trên tư-tưởng, với những hình ảnh của nó, những hoài niệm đã qua hoặc dự định về tương lai, và những hoạt động định hướng to tát về kỹ thuật chuyên môn, tâm lý học, khoa học tự nhiên. Sự tương giao của chúng ta với nhau đều đặt nền tảng trên tư tưởng, chính tư tưởng này đã tạo tác nên hình ảnh bên trong nội tâm bạn về người khác, và tư tưởng người đó cũng phác họa hình ảnh về bạn bên trong họ.
Tư tưởng đó chắc hẳn là bắt nguồn từ kiến thức, kinh nghiệm, và ký ức rồi. Phản ứng hay đáp ứng của ký ức là suy nghĩ. Và kinh nghiệm, học thức, trí nhớ, và sự di động của tư tưởng thuộc về tiến trình vật chất. Vì thế tư-tưởng luôn luôn bị giới hạn, bởi vì kiến thức thì luôn luôn có hạn định. Không thể có được kiến thức hoàn toàn về bất kỳ điều gì cả – ngoại trừ sự chấm dứt kiến thức, đó là một vấn đề khác. Vì vậy, ở đâu mà có sự tác động của kiến thức và sự vận hành của ký ức, thì ở đó có sự hạn chế, giới hạn, minh định của tư tưởng.
Tư tưởng đóng vai trò gì trong ý-thức? Tất cả kiến thức mà chúng ta tích lũy, tất cả những kinh nghiệm, không phải chỉ là kinh nghiệm cá thể không thôi, mà bao gồm cả ký ức tập thể, những đáp ứng có tính cách di truyền, kinh nghiệm tích trữ được truyền từ thế này đến thế hệ khác, hết thảy mọi nỗi nhọc nhằn vất vả, lo âu, niềm sợ hãi và sung sướng, những học thuyết tôn giáo, những tín ngưỡng, những quyến luyến dính mắc, nỗi thống khổ – toàn bộ các điều đó là ý thức của chúng ta.
Bạn có thể thêm vào hay bớt ra nội dung của ý thức, tuy nhiên đó vẫn là sự vận hành của tư tưởng, cũng là của ý thức. Tôi có thể nói rằng có một loại siêu-ý-thức , nhưng nó vẫn là một phần của tư tưởng. Ý thức thì vận hành liên miên bất tuyệt, phân ra “bạn” và “tôi”. Ý thức chúng ta được tạo thành từ nội dung của nó; không có nội dung đó thì ý thức của chúng ta là gì? Có một ý thức nào hoàn toàn khác hẳn cái mà nó được tạo nên bởi những hoạt động đa dạng của tư tưởng mà chúng ta gọi là ý thức? Để đến được điểm đó, tôi phải khám phá xem tư tưởng có thể nào chấm dứt, không phải là tạm thời, cũng không phải là kẽ hở trống không giữa hai ý nghĩ, hoặc một khoảng thời gian yên lặng hay vận hành vô ý thức.
Tư tưởng có thể chấm dứt hẳn chăng? Đây là điều khó hiểu đối với những người nghiêm túc khi họ đi sâu vào trong nó bằng thiền định. Có thể nào tư tưởng mà nó có lực lượng vô cùng mạnh mẽ, và tích chứa năng lực to lớn như vậy, cái năng lực được tạo thành từ hàng ngàn năm qua – từ những lĩnh vực khoa học, kinh tế, tôn giáo, xã hội và cá nhân – có thể nào toàn bộ hoạt động đó đi đến chỗ chấm dứt? Nghĩa là: tư tưởng dựa trên những điều đó, sự việc đó để xây dựng nên ý thức của chúng ta, từ đó chúng ta được tạo nên, chính là cái bồn chứa của ý thức, có thể nào chấm dứt nó được không?
Tại sao chúng ta muốn chấm dứt tư tưởng? Động cơ thúc đẩy nào nằm ẩn phía sau sự khao khát muốn kết thúc tư tưởng? Có phải là chúng ta đã phát hiện ra là tư tưởng tạo nên quá nhiều nỗi nhọc nhằn, lo âu về tương lai, từ trong quá khứ và hiện tại, và đem đến một cảm giác hoàn toàn cô lập và đơn độc như vậy?
Khi bạn đặt câu hỏi: “Tư tưởng có thể kết thúc được không?” thì phải chăng bạn đang tìm một phương pháp, cái hệ thống mà bạn thực hành ngày này qua ngày nọ để chấm dứt nó? Nếu bạn thực hành ngày này sang ngày khác, thì chính sự thực hành đó làm cho tư tưởng mạnh mẽ thêm lên – tự nhiên là thế. Vậy thì ta phải làm sao đây?
Ta nhận thức được tính cách tự nhiên của tư tưởng, tính nông cạn hời hợt của nó, những cái trò chơi trí thức mà nó diễn tuồng. Ta biết được tư tưởng phân chia ra sao, phân chia chủng tộc, tín ngưỡng tôn giáo và… vân vân; và sự xung đột không ngừng nghỉ kể từ lúc chúng ta chào đời cho đến lúc chết đi. Có phải đó là lý do bạn muốn chấm dứt tư tưởng? Ta phải hết sức rõ ràng cái động lực ham muốn chấm dứt tư tưởng – nếu điều đó có thế được – bởi vì cái động lực này sẽ sai khiến và ra lệnh. Ta có thể sống trong ảo tưởng rằng tư tưởng đã đi đến chỗ chấm dứt rồi. Rất nhiều người tin tưởng thế, nhưng ảo tưởng đó chỉ là một phóng ảnh khác của tư tưởng mà nó khao khát tự chấm dứt chính nó.
Tư tưởng và những sự việc mà tư tưởng đã xây dựng nên như là ý thức cùng với tất cả nội dung hàm chứa trong ý thức có thể nào đi đến chỗ chấm dứt được không? Nếu diễn giả cho là điều đó có thể được, thì điều đó có giá trị gì không? Không, không có bất cứ giá trị nào cả. Nhưng ta có thể nào nhận thức được sự vận hành tự nhiên của tư tưởng như là một tiến trình vật chất và quan sát nó – ta có thể làm được điều này không? Ta có thể nào quán sát sự di chuyển của tư tưởng, không phải như là một người quan sát đang ngắm nhìn tư tưởng, nhưng mà là tư tưởng tự nó nhận thức được sự vận hành của chính nó; sự tỉnh thức của tư tưởng và tư tưởng tự nó quán sát sự chuyển biến của nó.
Lấy thí dụ rất đơn giản như là sự tham lam chẳng hạn: quan sát nó khi nó hiện lên bên trong ta, và kế đến ta hãy tự hỏi, “người quan sát, người tư tưởng có khác biệt với tư tưởng hay không?” Quán sát sự suy nghĩ thì khá dễ dàng. Tôi tách biệt tôi ra như là một người quan sát và xem xét tư tưởng của tôi, đó là điều mà phần đông chúng ta làm. Nhưng mà, sự phân chia này chỉ là ảo tưởng, trá hình mà thôi, bởi vì người tư tưởng chính là tư tưởng. Thế thì, có thể nào người quan sát vắng mặt trong sự quan sát của anh ta không? Kẻ quan sát, kẻ tư tưởng đều thuộc về quá khứ – những hồi ức, những hình ảnh, kiến thức, những kinh nghiệm, tất cả những điều này hắn ta đã tích lũy theo thời gian chính là kẻ quan sát. Kẻ quan sát đặt tên cho một phản ứng nào đó như là sự tham lam, và trong việc đặt tên cho nó hắn ta đã bị nắm bắt bởi quá khứ rồi. Chính sự đặt tên cho một phản ứng mà chúng ta gọi tên là tham lam, chúng ta đã thiết lập nó trong quá khứ.
Trái lại, nếu không có đặt tên nhưng chỉ thuần nhất quan sát thôi – trong đó không sự phân chia giữa kẻ quan sát và đối tượng được quan sát, kẻ tư tưởng và tư tưởng, kẻ kinh nghiệm và điều kinh nghiệm – khi đó thì cái gì xảy ra đây? Sự quy định của chúng ta khiến tạo ra sự phân chia giữa người quan sát và đối tượng được quan sát, và đó là lý do mà chúng ta bị phiền não vô cùng khi kìm chế điều đang bị quan sát. Tôi tham lam, đó là sự phản ứng. Tuy nhiên, chúng ta lại nói, “Tôi khác với sự tham lam và vì thế tôi có thể khống trị nó, tôi có thể điều khiển nó, tôi có thể đè nén nó, tôi có thể thụ hưởng nó, tôi có thể làm một điều gì đó với nó”. Sự thực là, người suy nghĩ là sự suy nghĩ. Không có người suy nghĩ mà lại không có sự suy nghĩ.
Vì vậy, quan sát mà không có những ký ức quá khứ và những phản ứng tự phóng tưởng chính chúng ngay khi trong sự quan sát; quan sát một cách trong suốt, thuần nhất mà không theo một phương cách nào, không có bất cứ động cơ nào; khi đó ta sẽ khám phá được nếu ta đã đi vào bên trong nó sâu thẳm, thì tư tưởng đi đến chỗ kết thúc. Tư tưởng là sự di động và thời gian là sự di động, vì vậy thời gian là tư tưởng. Đây là chân thiền định: hãy để tư tưởng nhìn xem sự di chuyển của chính nó, nó xuất hiện thế nào, nó tạo nên hình ảnh và đeo bám theo hình ảnh đó ra sao; tức là quan sát để mà không có sự nhận diện đối với điều được quán sát.
Nói đơn giản như thế này: quan sát cội cây mà không đặt tên cho nó, cũng không cần phải thắc mắc cội cây đó được dùng vào việc gì, chỉ đơn thuần quan sát nó thôi. Khi đó, sự phân cách giữa bạn và cội cây sẽ chấm dứt – nhưng, bạn không có trở thành cội cây nhé, tôi hy vọng là không! Sự phản ứng của hệ thần kinh đối với từ ngữ sẽ tạo thành sự phân chia. Nghĩa là, ta có thể quan sát người vợ mình hay một ai khác mà không có từ ngữ xen vào và vì thế sẽ không tạo ra hình ảnh và tất cả hồi ức của mối quan hệ đó không? – tức là chỉ thuần quan sát mà thôi? Lúc đó, trong sự quan sát như thế, chỉ có sự chú ý hoàn toàn, không phải là tư tưởng sẽ chẳng dứt bặt sao? Điều này đòi hỏi sự chuyên tâm vô cùng, từng bước từng bước xem xét, giống như là một nhà khoa học giỏi xem xét một cách rất, rất là cẩn thận. Khi ta thực hiện như thế, tư tưởng sẽ đi đến chỗ chấm dứt, và vì vậy thời gian (tâm lý) dừng bặt.
J. Krishnamurti: Questions and Answers, 1980

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ