Phật pháp thắng nghĩa

Phật từ 2600 năm trước đã nhìn thấy căn bệnh trầm kha của trí thức: căn bệnh điên đảo tưởng, nhìn sai vì thiếu chính kiến, nhìn nhầm sợi dây thừng là con rắn vì dựa vào tri giác vọng niệm, nhận vô thường là bất biến…những nguyên nhân tâm lý tạo khổ thì vô lượng: Kinh Thủ Lăng Nghiêm ngoài tham, sân, si, còn kể:
Mạn tập giao lăng (lấn ép nhau) phát nơi ỷ thế, tạo cãi vã tranh chấp.
Trá tập giao dụ (dụ dỗ nhau)
Cuồng tập giao khi (lừa gạt)
Oán tập giao hiềm (hiềm khích)
Kiến tập giao minh (người thông minh ham kiến chấp), vì kiến giải khác nhau nên chống đối nhau.
Uổng tập (vu vạ) gièm pha phỉ báng
Tụng tập giao thuyên (thưa kiện cãi cọ) phát nơi che dấu tội lỗi “Bồ Tát xem sự che dấu như đội núi cao đi trên biển cả”.


Theo phân loại của sách DSM (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) cuốn thánh kinh của chuyên gia Tâm thần Hoa Kỳ, thì bên cạnh cả trăm loại bệnh thần kinh tâm trí, riêng loại bệnh về nhân cách personality disorders như:
Nghi tưởng-paranoid
Phân ý-Schizoid
Chống đối xã hội-Antisocial
Giả dối đóng kịch- Histrionic
Tự tôn sùng- Narcissistic
Tránh né- Avoidant
Phụ thuộc- Dependent
Ám ảnh thúc bách -Obsessive-Compulsive
v..v..
cũng cho ta thấy nhân cách thường và bất thường cách nhau một sợi tóc. Ai chẳng có lúc đa nghi tưởng tượng, nhưng đa nghi thái quá như Tào Tháo, Hoạn Thư thì là bệnh, đa nghi và chụp mũ người khác cũng là một tâm thái paranoid, chống đối xã hội tới mức làm loạn, thanh trừng tố đấu đẳng cấp khác thì là bệnh, giả dối lừa đảo nói láo đóng kịch tự tôn sùng cho mình là nhất thiên hạ, phải chăng là bệnh của vô số người hoạt đầu chính trị, vô số ngụy quân tử trí thức, muốn người khác chú ý tới mình, lợi dụng vắt chanh bỏ vỏ người khác (need for attention and admiration, preoccupation with grandiose fantaisies concerning the self… usually involving the exploitation of others…).
Nói khác đi, con người chẳng những khổ sở vì sinh lão bệnh tử- những điều kiện nhân sinh giới hạn của kiếp sống- situations limites- như triết gia Đức Karl Jaspers đã bàn tới, mà có khi còn vì vọng niệm tạo ra nỗi khổ cho mình và cho người khác, địa ngục thân tâm mình chưa đủ lại còn muốn tạo giả thiên đường treo cổ người khác, oan oán chồng chất, hận thù khôn nguôi. Có thể kể ra đây rất nhiều hung thần trong lịch sử nhân loại, từ Stalin, Hitler, tới Pol Pot… những nhân cách bất thường, tâm bất ổn, mặc cảm thua kém biến ra mặc cảm sân hận, lấy mầm địa ngục kết đọng trong kiết sử tàng thức gieo rắc đại họa lên đồng loại… loại nhẹ hơn, như Castro, tiêu biểu cho bệnh tham quyền cố vị, suốt 40 năm “đội bè lên đầu mà đi”, bị kiến chấp giáo điều đè nặng không chuyển hóa nổi.
Nhìn theo nhà Thiền, những người biết vứt bỏ bè xuống, giác ngộ thay đổi như Gorbachev, phải có một căn cơ thiện nghiệp rất lớn mới đạt được. Nhưng Phật pháp cũng có thể giúp những ai không có căn cơ ấy, nhưng có quyết tâm hướng thiện “bỏ dao xuống thành Phật”, như Nguyễn Du từng viết:
…Khắp trong tứ hải quần chu
não phiền trút sạch, oán thù rửa xong
…nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh
trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao
Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh
Tham Sân Si như những bệnh trạng nổi hiện thành sóng vọng niệm trên mặt biển Tâm vốn tĩnh lặng, phép Thiền là tiếng chuông giúp thế nhân tỉnh cơn ác mộng đầy gươm giáo máu me chửi rủa ganh ghét oan oán… mà trở về trạng thái biển êm sóng lặng.
Thuốc men trị bệnh tâm trí thần kinh hiện đại cũng chỉ nhằm đạt được phần nào như thế: làm dịu cơn cuồng nộ, tác dụng của các loại antidepressants, antianxiety, antipsychotics… là giảm những đợt sóng aggression, agitation, tantrums, la hét phá phách, loạn trí, ảo tưởng, không sống thực mà sống trong cơn bào ảnh ảo giác (illusions, hallucinations)…
Từ ngữ điên đảo có nghĩa lộn đầu lộn đuôi, mà từ ngữ schizophrenia, bệnh điên, cũng mang ý nghĩa tách, xẻ, ý tưởng (schizo =chia cắt, fendre, phrenia= ý tưởng, penseés), diệt khổ bệnh bằng Yoga, bằng Thiền, là phương pháp chữa trị từ gốc vì Yoga là nối kết (union), Thiền là nhất tâm bất loạn, là buộc tâm phân tán như khỉ leo trèo, như ngựa phi lồng tâm viên ý mã.
Muốn tìm cửa giải thoát khỏi những mê hồn trận đó, tỷ như mê hồn trận duy tâm duy vật, có thể áp dụng lời khuyên của nhà vua hiền triết bậc nhất Việt tộc thế kỷ XIII, Trần Thái Tông, tác giả Khóa Hư Lục:
…Tọa thiền giả, đạt Phật chi cảnh
Tham thiền giả, đạt Phật chi tâm…
nghĩa là nên ngồi Thiền đưa cõi tâm vào bầu trời cảnh Bụt, tiếp đến mức sâu hơn, tham quán tâm Bụt, đạt cõi tâm bình đẳng, thoát trói buộc vọng tưởng, thân tâm an lạc tinh khiết như đóa sen giữa bùn lầy. Ngài còn bàn rộng về phép tọa thiền theo Tam giáo: “Nhan Hồi tọa vong… Tử Cơ ẩn kỷ…” thầy Nhan Hồi ngồi ngay ngắn, rời thân thể, bỏ phán đoán, lìa ngu trí, dung thông với đại đạo, còn Nam Quách Tử Cơ theo Tề Vật Luận sách Trang Tử, ngồi tựa ghế, ngửa mặt lên trời mà xem hơi thở (ẩn kỷ nhi tọa, ngưỡng thiên nhi hư), tọa thiền, tọa vong, ẩn kỷ… đều “đồng qui vô dị lộ “không khác biệt gì nhau, đều nhằm dứt vọng niệm, lìa phân tán tâm trí, hướng về cõi tâm thanh tịnh bản lai diện mục, là thiên chân của con người:
…Tảo nguyện viễn ly ma cảnh giới
Hồi tâm hướng đạo dưỡng thiên chân
Khóa Hư Lục
Thế giới hiện tại là ma cảnh giới do chính nhân tâm ngầu đục kiến chấp quấy đảo lên, lo cái họa ngầu đục của thiên hạ, nguyện làm y vương dùng gươm trí huệ phá giặc phiền não, đấy chính là tâm Bồ Tát Duy Ma, mang thứ bệnh cả lo cho bệnh phiền não chúng sinh như một nhà Nho yêu dân yêu nước đã viết:
Chú tiểu đồng đâu hiểu căn bệnh Duy Ma của ta!              
Cao Bá Quát tk XIX
Chính cõi tâm phát nguyện của một Trần Thái Tông, một Nguyễn Du, một Cao Bá Quát… cộng lại sẽ thành cơn bão cơ duyên chuyển hóa xã hội ma cảnh giới ngầu đục của thế gian ngày nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ