"Gồng mình" với “cái tôi”, vì trống rỗng và bất tài?

1. Mấy năm trước, sau khi đọc một số topic trên tathy.com/thanglong, tôi đã copy để lưu lại ý kiến của người có nick là hoacovangnoiay như sau:
“Ở cái thời buổi nhập nhoạng này: – Copy design của Tây Tàu, rồi may vội được mấy bộ quần áo. Thế là được gọi là nhà thiết kế thời trang – Được giải nhất karaoke phường, bỏ ít tiền ra được 1 CD x 1500 copy. Được gọi là ca sĩ – Chửi bậy khớp nhạc. Được gọi là ca sĩ hip hop – Chân dài, thiếu ăn. Được gọi là người mẫu – Có tí ti nhan sắc, được lên phim truyền hình. Được gọi là diễn viên triển vọng – Vẽ được mấy cái tranh, dở Đông, dở Tây. Được gọi là họa sỹ đương đại – Mua bãi rác về bới, cởi truồng đi lông ngông ở bãi cỏ. Được gọi là nghệ sỹ sắp đặt – Viết được một vài bài thơ, có một lũ ra vẻ mình biết thưởng thức, xúm vào hít hà, sao mà thơm ngon như bát phở 24. Thế là được gọi là Nàng thơ quần chúng”.

Tôi lưu lại và dẫn ra ở đây vì dẫu có thấy buồn cười thì tôi vẫn nghĩ: bỏ qua cái vẻ thái quá trong khái quát và diễn đạt, thì ý kiến này vẫn chứa đựng trong đó một phần sự thật, một phần sự thật đáng buồn hơn là đáng mừng, đang tồn tại trong sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật nước nhà. Bởi trong những ngày này, người ta khó có thể phân biệt giữa bạt ngàn các nghệ sĩ được quảng bá và tự quảng bá trên hệ thống thông tin đại chúng thì đâu đích thực là “ngôi sao” tài năng, và đâu chỉ là “ngôi sao băng” lóe ngang qua “bầu trời nghệ thuật” rồi tắt ngóm?
Sự dễ dãi trong định giá cùng với tình trạng lạm phát ngôn từ, trong bất kỳ tình huống nào cũng không thể tạo ra, không thể khẳng định được các giá trị. Và điều đó sẽ không có ý nghĩa gì nếu người trong cuộc tỉnh táo nhận chân mình là ai, hay không để bị quyến rũ bởi những lời tán tụng nhiều khi là sáo rỗng. Nhưng sự đời xem chừng không đơn giản, vẫn thấy tâm sự và tuyên ngôn của nhiều “ngôi sao” đăng tải nhan nhản trên báo chí, mà nếu so sánh giữa lời nói với kết quả lao động nghệ thuật của họ thì không khó để nhận ra một khoảng cách. “Tôi viết tài tử”, “trong thơ tôi sống thật với bản thân tôi”, “tôi không quan tâm đến dư luận”, “viết để khỏi vo tròn cái tôi”, “tôi chỉ là tôi thôi. Bóng bẩy, phức tạp mới chính là tôi”, “tôi có chọn thơ đâu, là thơ chọn tôi đấy chứ”, tác phẩm của tôi đã dạy cho các nhà phê bình các tri thức mới… Đó là những lời tôi thu lượm được và tôi nghĩ, nếu so sánh việc sử dụng đại từ nhân xưng số ít trong các dẫn dụ kể trên với việc ngày trước Nguyễn Tuân viết đề từ cho một cuốn sách của ông bằng ba chữ “kính tặng tôi” thì xem ra, Nguyễn Tuân lại là người khiêm tốn, chứ không phải là “ngông” như ai đó nhận xét!
So sánh cho vui vậy thôi, chứ dù cụ Nguyễn có “ngông” hoặc “kiêu” một chút thì chắc là cũng không mấy ai nhíu mày, vì ở nước Nam này, văn tài như Nguyễn Tuân chỉ có một người, kiếm đâu ra được… hai Nguyễn Tuân. Dù rằng bên vô số lời ca ngợi và khẳng định dành cho tài năng của Nguyễn Tuân, cũng có vài ba ý kiến chưa thỏa mãn với tác phẩm này hay tác phẩm khác, với chi tiết này hay chi tiết khác thì cũng không vì thế mà tiếng tăm của cụ Nguyễn lại suy suyển. Mọi người vẫn nhắc đến Cụ như nhắc đến một tài năng của văn học nước nhà.
Nhớ ngày còn học ở Trường đại học Văn hóa – Hà Nội, thi thoảng tôi theo bạn bè tới ngồi bên cửa sổ lớp viết văn của Trường Nguyễn Du, để nghe ké một số bài giảng. Một hôm tôi thấy trong khi giảng bài, Xuân Diệu lấy ra một cuốn tạp chí văn học – nghệ thuật của nước ngoài mà tôi không nhớ tên (hình như là tạp chí Hoa sen của Hội Nhà văn Á – Phi?) rồi đưa cho cả lớp xem. Ông bảo tạp chí đăng ba bài thơ của ba nhà thơ Việt Nam, trong đó có hai bài thơ ngoài tên tác giả, người ta phải mở ngoặc đơn để ghi chú là người Việt Nam, riêng bài của Xuân Diệu thì không ghi chú như vậy. Rồi ông hỏi: “Có ai biết tại sao không?”. Sau khi các anh chị trong lớp trả lời không biết, Xuân Diệu bảo: “Vì Xuân Diệu đã thuộc về nhân loại, nên không phải ghi chú là người Việt Nam!”. Nghe ông nói, tôi ngớ người và liên tưởng đến chuyện “thiếu khiêm tốn”, sau nghĩ lại thấy thi tài như Xuân Diệu ở nước Nam cũng chỉ có một người, nếu Xuân Diệu là nhà thơ tầm cỡ quốc tế thì cũng không có gì phải băn khoăn, sự nghiệp thơ ca của ông sẽ bảo đảm cho điều đó (tuy về sau đọc Toàn tập Xuân Diệu thì không phải bài thơ nào, tiểu luận nào của ông cũng hấp dẫn và thuyết phục tôi).
2. Trong văn hóa ứng xử truyền thống, dường như xưa nay ý niệm “khiêm tốn” đã trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá đạo đức của con người. Chẳng thế mà ngày trước, để bày tỏ phẩm chất khiêm tốn, các cụ nhà ta lại chẳng thường sử dụng các cụm từ đại loại như “ngu mỗ”, “bỉ nhân”, “kẻ hèn”,… đó sao. Mà trong thực tế, nhiều cụ sử dụng các cụm từ này vốn là đại gia, đâu đến mức “ngu, bỉ, hèn”. Lại nữa, vai trò và sự chi phối của cộng đồng đối với thành viên của nó trong cách thức tổ chức xã hội truyển thống đã đẩy tới rất nhiều ràng buộc, làm cho con người không thể trở thành cá nhân với tư cách là thành viên độc lập. Chỉ những người có bản lĩnh, có uy tín như cụ Nguyễn Công Trứ hay cụ Cao Bá Quát thì mới “ho he” được vài ba điều trước xã hội như là thể hiện cá tính mang dấu hiệu của ý thức cá nhân.
Đến thời hiện đại, vấn đề vẫn chưa có nhiều biến chuyển, đại từ nhân xưng số nhiều (chúng tôi) vẫn được sử dụng phổ biến để thay thế cho đại từ nhân xưng số ít (tôi) và mọi người mặc nhiên coi là điều bình thường, dẫu đó là văn bản hay phát ngôn của một cá nhân cụ thể.
(Nhân đây, xin nói về một hiện tượng mà sự lặp lại của nó làm cho tôi nghĩ có gì đó bất thường. Ấy là khi tôi đọc những luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ mà ở đấy người thực hiện thường sử dụng đại từ nhân xưng “chúng tôi” thay cho đại từ “tôi”. Phải chăng đó là biểu thị của thói quen khiêm tốn? Phải chăng tác giả đã không dám thừa nhận sản phẩm nghiên cứu là của chính mình? Phải chăng vì dấu ấn của người hướng dẫn đậm nét đến mức vị học viên, nghiên cứu sinh kia không dám khẳng định là sản phẩm nghiên cứu riêng? Phải chăng đó là sản phẩm liên danh giữa tác giả và… người viết thuê? Phải chăng đó là sự phát huy truyền thống khiêm nhường?).
Và tôi còn ngờ ngợ trong một số trường hợp, người ta sử dụng đại từ “chúng tôi” không hẳn là để chuyển tải tinh thần khiêm tốn, mà trong đó lại như có bóng dáng của thái độ trốn tránh trách nhiệm, cố nấp sau lưng số đông hoặc dùng số đông để bảo lãnh cho ý kiến riêng… Nghĩa là nghiêm khắc mà xem xét, thì hiện tượng sử dụng “chúng tôi” thay thế cho “tôi” có khi không chỉ là một thói quen, có thể còn chứa đựng một tập tính ứng xử không hẳn là đáng biểu dương?
Do nhiều lý do văn hóa và tự nhiên, trong quá khứ, cách thức tổ chức xã hội và mối liên kết giữa con người với con người ở Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào những mối quan hệ được xác lập từ mô hình “nhà – làng – nước” (theo PGS Phan Ngọc), phụ thuộc vào sự chuyển dịch của các vai trò xã hội từ mô hình “vua – quan – dân” (theo GS Trần Quốc Vượng), đẩy tới sự ra đời và tồn tại của mối gắn kết chặt chẽ, khó có thể tách rời giữa cá thể với cộng đồng. Tình trạng ấy cùng sự chi phối của thế giới quan – nhân sinh quan Nho giáo (với một số trường hợp còn là sự pha trộn quan niệm của Phật giáo, Đạo giáo) nên xã hội ít quan tâm tới vai trò của cá thể. Nói cách khác là con người chỉ được nhìn nhận như là cá thể xã hội mà chưa được nhìn nhận như là cá nhân – con người riêng lẻ.
Vì thế trong xã hội truyền thống, các chế định và chế ước xã hội (thành văn hoặc không thành văn) luôn quy định và tác động trực tiếp tới con người. Mọi người hành xử theo yêu cầu của chế định, chế ước xã hội hơn là từ nhu cầu, khát vọng của bản thân, làm cho con người tồn tại như là cá thể xã hội thụ động hơn là tư cách chủ nhân (xin nhấn mạnh – NH). Theo đó thì những câu tục ngữ như “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “Sống bằng mồ mả không ai sống bằng cả bát cơm”… đều có nguồn gốc từ vai trò của chế định, chế ước cộng đồng. Thậm chí về hình thức, câu tục ngữ “Một giọt máu đào hơn một ao nước lã” như có vẻ mâu thuẫn với câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần” thì xét đến cùng, lại có ý nghĩa riêng trong điều kiện sống cụ thể.
Về điều này, ở phương Tây – cụ thể là châu Âu, lại diễn biến theo một quá trình khác hẳn. Cho dù ở phương Tây, hệ thống chế định, chế ước xã hội cũng không kém chặt chẽ thì vẫn dành cho con người một “khoảng trống”, là nơi để ý thức về vai trò của cá nhân trong tư cách là chủ thể độc lập của xã hội ra đời và phát triển. Không ngẫu nhiên từ mấy thế kỷ trước, người châu Âu có thể bồng bế nhau vượt biển, tìm đến vùng đất mới ở Bắc Mỹ, ở Úc châu để sinh cơ lập nghiệp rồi lập nên những quốc gia mới. Còn ở Việt Nam, lại có các biểu hiện đặc thù. Vài chục năm trước (ngoài những lý do riêng, đặc biệt và bất khả kháng) việc lấy vợ, lấy chồng là người nước ngoài, hoặc sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất khác, ở quốc gia khác vốn là chuyện xa lạ đối với rất nhiều người. Người ta không chỉ xa lạ, không chỉ ngạc nhiên, đôi khi còn tỏ ra kỳ thị. Trong các căn nguyên của hiện tượng này, có một căn nguyên quan trọng là sự ràng buộc, trì níu của quan hệ cộng đồng truyền thống và quan niệm về sự tồn tại của con người như là những cá thể xã hội thụ động.
3. Ngày nay mọi chuyện đã khác trước, nhất là từ khi xã hội mở cửa giao lưu và hợp tác về kinh tế – văn hóa với thế giới. Tiếp biến văn hóa – văn minh thời hiện đại đưa tới một chuyển dịch văn hóa – văn minh mới trong xã hội, và với con người, ý thức về cá nhân bước đầu được khẳng định và từng bước phát triển. Tuy nhiên, tình thế bước đầu ấy không bao hàm ý nghĩa là xã hội và mỗi người đều đã có quan niệm đúng và đầy đủ về cá nhân cũng như về vai trò của cá nhân.
Mặt khác, quá trình chuyển dịch từ cá thể thụ động trước đây đến vai trò là cá nhân – chủ thể xã hội, là một quá trình phức tạp. Nhất là trong bối cảnh trong truyền thống dân tộc, dấu ấn của quan niệm cá nhân còn mờ nhạt, đa số công dân vẫn chưa làm quen với lối xem xét có tính duy lý về sự tồn tại của bản thân mình, thì hầu như phải bắt đầu từ “viên gạch” đầu tiên. Nghĩa là phải xây dựng quan niệm về cá nhân từ các nội hàm cơ bản nhất. Trong khi đó, sự phát triển của xã hội với những tiêu chí mới và hiện đại lại cần tới một ý thức cá nhân tiên tiến, vì đơn giản là chúng ta không thể xây dựng một xã hội mới bằng ý thức, tinh thần của những cá thể thụ động.
Song cũng chính lúc này, giao lưu văn hóa – văn minh với nhân loại lại đưa tới sự du nhập một số giá trị mà bản thân nền văn hóa và ý thức cộng đồng của chúng ta chưa chuẩn bị điều kiện cần và đủ để tiếp nhận… Kết quả là trong sinh hoạt xã hội đã không chỉ xuất hiện một số quan niệm khác nhau về cá nhân mà còn xuất hiện cả một vài “mảnh vỡ” của quan niệm này do chưa tiếp nhận trọn vẹn và thiếu chủ động. Rồi vì không được kịp thời điều chỉnh, nên đáng tiếc là chúng ta đã, đang (và sẽ?) phải chứng kiến sự bộc lộ “cái tôi cá nhân” theo xu hướng tiêu cực hơn là tích cực.
Quan sát sinh hoạt sống hiện tại, tôi nhận thấy có một loại hiện tượng đáng quan ngại là trong khi khái niệm “cá nhân” chưa được nhận thức cho ngọn ngành, chưa được đặt trong quan hệ sống còn của nó với xã hội thì đã nhanh chóng bị lạm dụng. Đã có nhiều người coi việc phóng chiếu sở thích, nhu cầu, đòi hỏi… của mình vào xã hội là biểu hiện của quyền cá nhân. Điều này tạo điều kiện để người ta phô diễn thói ích kỷ, sự háo danh, kiểu sống hẹp hòi, phô diễn hành vi ngông ngạo bấp chấp chế định luật pháp và đạo đức của xã hội. Không phải tìm đâu xa, chỉ cần quan sát ở vùng đô thị, sẽ thấy trong số người vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm thì người đi xe máy đắt tiền như SH, Dylan chiếm tỷ lệ cao nhất. Kiểu sống chỉ biết có mình, không quan tâm tới các quan hệ, không quan tâm tới quyền lợi của người khác, không quan tâm tới hình ảnh xấu – đẹp của mình trước sự đánh giá của cộng đồng… đang là một vấn nạn của sinh hoạt xã hội.
Ví như gần đây, hẳn là mọi người Việt Nam quan tâm tới danh dự, lợi ích của cộng đồng đều phải lấy làm xấu hổ khi biết ông Calisto – Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá Việt Nam, nhận xét về các cầu thủ đã viện dẫn những lý do rất khó chấp nhận để từ chối nghĩa vụ đối với quốc gia, rằng: “Hàng triệu triệu người chết vì đất nước, tôi không hiểu khi tổ quốc cần, 1-2 người lại có thể từ chối” (Thể thao & Văn hóa, 10.9.2008). Và trong đời sống văn học, một biểu hiện của tình trạng này là quan niệm về “cái tôi” cực đoan của một số nhà văn và nhà thơ, mà đọc điều họ viết hay nghe điều họ nói, đôi khi thấy đáng thương và buồn cười. Đặc biệt hơn, hầu như các tác giả hô hoán to nhất về “cái tôi” thì giá trị tư tưởng – nghệ thuật trong tác phẩm của họ lại đứng ở hàng trung bình trở xuống!
Nói thế nào thì sáng tạo văn học – nghệ thuật cũng là một trong nhiều loại hoạt động xã hội có tính cá nhân rất cao, và “cái tôi” của nghệ sĩ giữ vai trò hết sức quan trọng. Cho dù sử dụng âm thanh – như trong âm nhạc, hay sử dụng chính mình – như diễn viên trên sân khấu,… làm phương tiện sáng tạo thì yếu tố quyết định cuối cùng vẫn là tài năng, là tâm hồn, năng lực tư tưởng – thẩm mỹ của nghệ sĩ. Với văn chương cũng vậy, nhà văn bao giờ giữ vai trò quyết định và “thế giới tinh thần bên trong” của nhà văn phong phú hay nghèo nàn thì vẫn luôn luôn và phải được thể hiện qua tác phẩm.
(Điều này xem ra hơi đối lập với ý kiến của một ông tiến sĩ – mà tôi đang nghi ngờ tính xác thực trong cái bằng tiến sĩ của ông ta, từng viết như sau: “Nhiều người trong chúng ta có một quan niệm hết sức sai lầm cho rằng văn chương là tiếng nói của tình cảm, rằng viết văn chính là cách giải tỏa bức xúc… viết văn thực chất là giải một bài toán tối ưu”!).
Tuy nhiên khi nói tới “cái tôi”, không thể đặt nó ra ngoài các tương quan xã hội – nơi cung cấp cho nhà văn các tài liệu và là nguồn cảm xúc làm nên tác phẩm. Hơn thế nữa, “cái tôi” ấy phải được đặt trong quan hệ với người đọc, vì nếu chỉ là “tôi viết cho tôi”, chỉ là “tâm sự của riêng tôi” thì hà cớ gì phải mau mắn công bố tác phẩm với công chúng? Vả lại, nếu “chỉ viết cho tôi” thì sản phẩm lẽ ra phải nằm trên giá sách của cá nhân hoặc nếu có điều “bí mật ghê gớm” thì nên cất giữ dưới đáy hòm, trong góc tủ, giấu ở đầu giường chứ sao lại đem ra trưng bày trước thiên hạ?
Khi “cái tôi” đã bị đẩy tới mức cao ngạo để rồi quay ra coi thường độc giả thì cũng là lúc người viết tự chứng tỏ tài năng của họ chỉ là một ảo tưởng chứ không phải là một tài sản vô giá song vô hình trong tâm trí và hữu hình trong tác phẩm. Lại nhớ một nữ sĩ xứ An Nam từng trả lời phỏng vấn để lý giải tại sao khi thủ vai MC chị lại nói những điều khó hiểu: “Tôi muốn khán giả khi nghe, xem và phải tự hiểu, còn nếu không hiểu, phải tự hỏi xem tại sao mình không hiểu? Tôi không có nghĩa vụ làm cho tất cả mọi người hài lòng và tôi không quan tâm đến điều đó”. Nói ra điều này, nữ sĩ quên rằng chị là người được giao sứ mạng làm cầu nối giữa khán giả với tác phẩm của nhạc sĩ. Đặt “cái tôi” cao hơn khán giả, chị còn bộc lộ một quan niệm ấu trĩ là không cần biết phát ngôn của mình có ý nghĩa thế nào trước cộng đồng.
Khi “cái tôi” được quan niệm là tài sản của riêng tôi, thuộc quyền sở hữu của tôi, tôi có quyền trình diễn nó trước xã hội… thì cũng là lúc mà người ta cần phải biết tự cảnh tỉnh, hay chí ít cũng phải tập cái thói quen thi thoảng rà soát lại xem “cái tôi” của mình hay – dở ra sao. Phải kiểm tra xem “cái rương” trí tuệ thật sự chứa đựng “vàng ròng, kim cương” hay chỉ là “đồ mỹ ký, hạt thủy tinh”. Để sau khi tác phẩm xuất bản, tác giả không bị rơi vào tình huống trớ trêu là sau khi công chúng cùng đồng nghiệp định tính là “đồ mỹ ký, hạt thủy tinh” lại cố chứng minh là “vàng ròng, kim cương” đấy chứ.
Nhưng có lẽ đó là công việc không dễ dàng, nhất là với một số tác giả trẻ; khi mà đối với một số người, bầu trời chỉ có kích cỡ to bằng “cái miệng giếng” thì người ta sẽ không biết sợ. Nên mới đây lại thấy các phát ngôn còn “hoành tráng” hơn nhiều, tỷ như: “So với các bạn trẻ 8X, tôi là một người nổi tiếng khá sớm… Không bao giờ tôi hối tiếc về việc tôi làm, những gì làm đều nằm trong chủ ý của mình… Nếu họ không thích xem phim của tôi, họ có thể xem những bộ phim khác phù hợp với trình độ nhận thức của họ, tôi không quan tâm”. Nói đến thế này thì quả là “cái tôi” đã phóng chiếu một cách tự tin đến mức… lố bịch và như vậy, liệu có nên bổ túc tri thức về vai trò của nhà văn trong xã hội? Và tôi lại nhớ một phát ngôn khác rằng: “còn tôi, cả đời chỉ trung thành với một thứ – đó là bản thân mình”. Nói như thế thì chẳng hóa ra người ta chỉ trung thành với chính mình, còn với mọi người, với những quan hệ xã hội, người ta không cần trung thành hay sao? Theo đó mà suy, các tác phẩm của tác giả này đã phát hành lại chứa đựng trong đó cả sự giả dối? Câu hỏi không phải không có lý, bởi chủ nhân của phát ngôn này đã có lần… “đạo văn” theo đúng nghĩa đen của từ này!
Để có quan niệm nghiêm túc, đúng đắn về “cái tôi”, có lẽ còn cần dựa trên nền tảng của quan niệm đúng và đầy đủ về “cá nhân”. Cá nhân không phải là khái niệm “xấu”. Trong lịch sử, sự ra đời của cá nhân và quan niệm khoa học về cá nhân là một bước tiến quan trọng của nhận thức, vì đã đặt con người vào vị trí làm chủ xã hội, đưa lại cho con người các “quyền” mà giai đoạn lịch sử trước đây không có. Tuy nhiên, quan niệm khoa học về cá nhân cũng đòi hỏi cá nhân phải hoàn tất trách nhiệm, nghĩa vụ mà xã hội giao cho nó với trong tư cách là công dân.
Quan hệ cá nhân – xã hội là quan hệ hữu cơ, cá nhân chỉ là cá nhân khi đặt trong quan hệ với xã hội. Chính vì thế, trong bất kỳ trường hợp nào, cá nhân cũng không thể đứng ngoài cộng đồng. Tự đặt mình ra ngoài cộng đồng, tự đặt mình đứng trên xã hội là cá nhân đã tự cắt đứt mối liên hệ sinh tử của sự tồn tại. Hơn thế nữa, sống trong xã hội tổ chức quy củ, các vai trò xã hội được xác lập một cách công khai và bình đẳng, dù là nhà văn, nhà thơ hay nhà gì đi chăng nữa thì vẫn là công dân với tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ. Cho nên, nếu một mặt mỗi cá nhân cần phải được cộng đồng tôn trọng, thì mặt khác cộng đồng lại phải phê phán lối khuếch trương “quyền” cá nhân một cách cực đoan, hay nhân danh “quyền” cá nhân để biện hộ cho “cái tôi” ích kỷ, hô hoán om xòm về “cái tôi”, làm như “cái tôi” là độc quyền của nghệ sĩ. Thường thì các hiện tượng này ít đưa tới cho tôi sự tin cậy, tôi coi đó chỉ là một kiểu “gồng mình”, nên tôi thường tự hỏi: “Phải chăng “cái tôi” to tướng kia chỉ là biểu hiện của tình trạng trống rỗng và bất tài!?”./. “

Nhà phê bình Nguyễn Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ