Nhân tính mất dần trên đường phố

Không chỉ trên đường phố châu Âu, châu Mỹ người ta mới hở ra là “cám ơn, xin lỗi”. Hai động thái giao tiếp này cũng đã rất quen thuộc với dân ta ở chỗ đông người. Người Bắc ăn nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường. Người miền Trung tiếng nặng, khó nghe nhưng không phải không biết ăn nói lịch sự. Người Nam Bộ chân tình cởi mở, lòng tốt, bao dung tràn cả trong giọng nói. Lời dạy của cha ông: Vì “ lời nói là đọi máu”, “lời nói không mất tiền mua” cho nên phải “liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Nhưng có vẻ như đó đã trở thành chuyện ngày xưa từng sống trong ký ức dân tộc như là một nét văn hóa lễ nghĩa. Cả dân tộc hàng ngàn năm luôn nớm nớp bị ngoại xâm và bị bắt nạt bởi anh hàng xóm phương Bắc to xác, thấy rõ hơn ai hết “phải thương nhau cùng”, đùm bọc nhau để sống còn. Bạo lực chỉ được đề cao khi chống ngoại xâm. Mà ngay cả trong chiến tranh giành độc lập tự chủ, bạo lực cũng được kìm chế, triết lý “công tâm” (đánh vào lòng người) tràn trề trong Bình Ngô đại cáo và mở lối thoát danh dự cho kẻ thù để tránh chém giết cũng là tư tưởng chiến lược nhất quán xuyên suốt lịch sử. Quân sự Việt Nam không thể và không có chiến thuật biển người. Nước nhỏ phải tiết kiệm máu. Nước nhỏ phải coi trọng lễ nghĩa, không thể hung hăng như kẻ to xác cậy lớn nhưng chưa bao giờ thành người lớn. Trong cái ngày xưa ấy chưa bao giờ bạo lực được cha ông coi là cứu cánh của tồn tại.
Cái ngày xưa ấy đâu rồi? Cần nhìn thẳng vào sự thật: quả đấm hay lưỡi dao Thái sắc lẹm đang thay thế lời nói. Và không thể chấp nhận nổi khi quan hệ người với người trên đường phố và nơi công cộng trong xã hội ta hiện nay đang mất dân nhân tính. Lãnh đạo TPHCM (mà có lẽ không chỉ TPHCM), nơi có tiếng là người dân hiền và hào hiệp, đã chính thức đánh giá nạn cư xử côn đồ, “đụng là động thủ” đang phát triển nhanh đáng lo ngại.
Người dân thấy bất an khi phải ra đường, tiếp xúc với người khác vì làm ăn, công chuyện, thậm chỉ cả khi đến với cơ quan công quyền. Tâm trạng bất an ấy ngày càng thêm nặng nề, rất cụ thể bới những điều tai nghe mắt thấy gây đau lòng đang trở thành “chuyện thường ngày” trong đời sống. Giữa cảnh “ngựa xe như nước” mỗi sáng mỗi chiều đi làm, tránh sao khỏi đụng độ, va chạm. Nhưng thay vì “cám ơn, xin lỗi”, hỏi han đồng loại có sao không, người ta văng ra lời chửi bới, đe nẹt. Và không hiếm trường hợp, không chỉ bọn có máu côn đồ mà một người bình thường cũng sẵn sàng cướp đi sinh mạng một con người. Chỉ cần một cái nhìn tình cờ lơ đễnh, nhưng được hiểu ngay là “nhìn đểu” và không ít người vô tội đã  phải mất mạng trên đường, trong quán rượu. Những cô gái, phụ nữ bị làm nhục, thậm chí bị giết chết vì thói ghen bóng ghen gió. Những bậc cha mẹ bị xúc phạm, kể cả tính mạng bởi những đứa con bất hiếu bất mục. Và cũng không ít trẻ em bị đày đọa khi cha mẹ mất nhân tính biến tổ ấm thành địa ngục. Đỉnh cao của ngôn ngữ đao kiếm trên đường phố, ngay cả đường làng là cảnh giết trộm chó dã man, khi cả một tập thể bị kích động bởi cơn giận dữ, trong phút chốc không còn nhớ mình là con người chứ không phải mãnh thú.
Cái cối xay bạo lực đang nghiền nát nhân tính này từ đâu ra vậy? Xe máy quá đông? Rượu chè, nhậu nhẹt tràn lan? Kinh tế khủng hoảng? Thất nghiệp? Thành phố quá tải? Khí hậu trở chứng bất thường? Có người nghĩ xa hơn: hậu quả của sai lầm từ quá khứ, khi đấu tranh được đề cao tuyệt đối như là lẽ sống duy nhất. Của thói giả dối tràn lan có hệ thống khó đỡ và khó chữa. Của tình trạng lớp trẻ không có khát vọng gì hơn là được ăn chơi ngông cuồng. Và cuối cùng, của một nền pháp trị có quá nhiều vấn đề bất cập, thiếu nghiêm minh, thiếu khách quan và gương mẫu.
Nguyên nhân nào cũng có phần của mình. Nhưng rõ ràng là lương tri của dân tộc đang bị thách thức. Tăng trưởng cao, thu nhập được nâng lên không cứu được sa đọa đạo đức, văn hóa. Ngó lơ là tội lỗi. Đã đến lúc chúng ta phải nói to lên rằng không thể như thế này được nữa!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ