Hạnh phúc không tự nhiên mà có – Nói với em

Vào những buổi chiều anh thường thích dạo chơi ngoài cánh đồng với mấy em, cảm giác đó vui sướng lắm. Nhưng anh thích đi bộ một mình trên những con đường quê, bờ ruộng hay đường kênh hơn; nơi mà hai bên có những bông lúa hay cỏ dại và đặt từng bước chân ý thức trên mặt đất, biết mình trong hiện tại đang đi trên hành tinh màu xanh kỳ diệu. Những lúc như thế, anh thấy hiện hữu mầu nhiệm một cách lạ kỳ. Người ta thường nghĩ rằng đi trên mây mới là phép lạ, anh nghĩ phép lạ không phải đi trên mây mà là đi trên mặt đất. Hằng ngày mình thực hiện biết bao điều kỳ diệu mà mình không hay biết. Em thử nhìn lại xem: từng nụ cười, hơi thở, ánh mắt, tiếng chim hót, tia nắng vàng, trời xanh, mây trắng, mấy giọt sương, cọng cỏ… rồi đôi mắt đen lay láy của mấy em nữa. Tất cả là kỳ diệu, là phép lạ phải không?
“Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích rích chim sâu trong lá,
Con chìa vôi vừa hót vừa bay.
Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm, cô tấm rất hiền”
(Nói với em, Vũ Quần Phương, sách tiếng Việt lớp 4)
Em thấy đấy, có nhiều thứ mình phải nhắm mắt lại mới thấy rõ được, mới nghe, mới cảm nhận được. Và cũng rất nhiều thứ mình phải để cho trí óc nghỉ nghơi đi mà thay vào đó là trái tim để biết yêu thương, biết cảm nhận cuộc sống. Lúc đó mình mới nhận biết được những điều kỳ diệu.
Trong xã hội hiện đại này người ta dùng đầu óc nhiều quá, nhiều đến nỗi họ luôn ở trong tình trạng như muốn phát điên liên. Ngay chính các em cũng bị nhồi sọ đủ thứ, đã vậy lại không có không gian để vui đùa thoải thích, các em không có tuổi thơ trọn vẹn. Còn người lớn cũng đáng thương lắm, họ phải sống trong xã hội luôn quay cuồng, luôn phải chạy đua với tiền bạc, tuổi trẻ, nhan sắc, thành đạt; mấy bệnh tâm thần ngày càng nhiều, tự tử, ma tuý, stress…; các tệ nạn xã hội nổi lên khắp nơi, đạo đức suy vong. Họ sống không có hạnh phúc. Đôi lúc anh có cảm tưởng rằng xã hội này đang hấp hối, con người trở nên bàng hoàng điêu đứng, bị chà đạp thê thảm vô cùng. Đã đến lúc thử lắng nghe tiếng nói của trái tim.
Trong “Câu chuyện dòng sông” của Herman Hesse có anh chàng chèo đò ngày ngày đưa người qua sông, bỗng một hôm nghe được tiếng nói của dòng sông và từ đó chàng đã tự đưa mình qua sông, đã vượt qua tất cả. Có thể người ta nghĩ rằng chàng điên nhưng có điều chàng biết rằng chàng đã nghe, đã thấy một điều kỳ diệu. Trí óc không thể làm được điều ấy, chỉ có trái tim. Một thi sĩ Pháp đã từng thốt lên rằng “Hỡi các vật vô tri kia ơi, chúng bay có linh hồn không vậy?”. Có vẻ như ông ấy đang đặt câu hỏi về sự nhận thức thông thường của chúng ta. Các em sẽ trả lời thế nào? Người ta nghĩ rằng những thứ như đất đá, cỏ cây, sông nước…  là những thứ vô tri, vô giác, là loài vô tính. Ấy vậy mà nhiều người trò chuyện với chúng như người bạn, thậm chí có những nhà khoa học dành phần lớn cuộc đời để tìm hiểu, trò chuyện với đất đá, một loài cây, loài chim, một vì sao hay thậm chí là con số. Em còn nhớ đoạn thơ này không? Cái trống trường cũng có tâm hồn đó, hay là các em đã thổi hồn mình vào cái trống.
“Buồn không hả trống
Trong những ngày hè
Bọn mình đi vắng
Chỉ còn tiếng ve
Cái trống lặng im
Nghiêng đầu trên giá
Chắc thấy chúng em
Nó vui mừng quá”
(Cái trống trường em, Thanh Hào, tập đọc lớp 2)
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết “Làm sao em biết bia đá không đau” (Diễm Xưa). Những thứ mà mình nghĩ là vô tính đó không hẳn là vô tính đâu. Rồi ông cũng có nói thêm “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Sỏi đá cũng cần có nhau huống chi con người. Đó là một tia chớp loè của tâm thức. Nó cho thấy loài người, loài thú, loài cỏ cây, là sỏi đá cũng là một (xem bài “Nguồn gốc loài người” của anh nhé) và lòng từ bi của chúng ta không có giới hạn. Chỉ có trái tim mới nhận rõ được điều đó. Khi chúng ta thực sự biết yêu thương chính mình thì cũng sẽ thương luôn những loài thú, loài cỏ cây và đất đá. Ấy vậy mà con người nhẫn tâm tàn sát thú vật, chặt phá cây rừng, đổ chất độc lên cơ thể bà mẹ trái đất. Họ đang huỷ diệt đi hành tinh màu xanh kỳ diệu này, điều đó cũng có nghĩa là họ đang huỷ diệt chính mình.
Trái tim cũng có thể suy nghĩ nữa. Suy nghĩ của trái tim dựa trên sự hiểu biết, lòng từ bi và khả năng cảm nhận tinh thế. Anh gọi đó là trí tuệ của trái tim để phân biệt với trí thông minh của bộ óc. Nhiều người nghĩ rằng cứ thông minh sẽ thành công, trí thông minh không phải tất cả, nó chỉ là công cụ của nhận thức. Ở đời này biết bao kẻ thông minh tài trí nhưng sống không hạnh phúc, sống trong những dục vọng thấp hèn, bị tham sân si che mờ và hầu hết những nỗi sợ hãi của nhân loại đều từ họ mà ra.
Trái lại, những người có con tim đầy trí tuệ luôn mang lại hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Có lẽ nhân loại sẽ mãi kính trọng những người như mẹ Teresa, Mahatma Gandhi, B. Franklin, A. Lincoln, Albert Einstein… Nhà thơ vĩ đại Targo đã từng viết về Gandhi “Có lẽ Gandhi sẽ thất bại như Thích Ca đã thất bại, như Giesu đã thất bại; không diệt được lòng tham lam độc ác của loài người nhưng ta luôn nhớ tới ông vì ông đã đem đời mình ra làm bài học cho muôn thế hệ về sau”.
Làm sao để cảm nhận và suy  nghĩ từ trái tim. Chính anh cũng đang đi tìm câu trả lời. Có người sinh ra đã may mắn được thụ hưởng khả năng cảm nhận tinh tế kỳ diệu, được sống giữa thiên nhiên thơ mộng, được trời phú cho trí thông minh hơn người; nhưng thế vẫn chưa đủ, tự bản thân họ phải đầy nghị lực để trải nghiệm qua cuộc sống bao gian khổ hy sinh và trái tim họ đầy ắp trí tuệ.  Con đường đi đó lắm chông gai và thời đại này càng chông gai hơn nữa. Các em sinh vào thời mà xã hội khủng hoảng, đạo đức suy vong, môi trường bị đe doạ, người lớn toàn là những gương xấu. Vậy mình cần phải làm gì đây? Có nhiều thứ phải làm lắm, anh không biết bắt đầu từ đâu. Theo thiển ý của mình, anh nghĩ cần phải thực hiện một số việc quan trọng làm nền tảng đã.
Trước hết, mình cần phải sống có quy tắc, có kỹ luật. Nó giống như là Giới trong Giới-Định-Huệ của nhà Phật vậy, nói một cách đơn giản chúng ta phải biết sống làm sao không xâm phạm đến sự bình an và thiện chí của người khác. Điều đó có nghĩa là mình sẽ không nói tục chửi thề, không gây ô nhiễm môi trường, không xài tiền hoang phí, không lấy đồ của người khác, biết kính trọng người lớn, có lòng biết hơn… cố gắng tập những thói quen tốt. Có như vậy người đời mới không ghét mình nhiều mà đôi khi còn giúp mình nữa, lòng ta thanh thản, sống vui tươi thì mới lắng nghe tiếng nói của trái tim được.
Mình cũng cần phải sống giản dị một chút, nhớ là giản dị chứ không phải đơn giản hời hợt. Nghĩa là biết nói không với những thứ không cần thiết; biết mơ ước, biết sứ mệnh mà không bị lòng tham, dục vong che mờ. Những bậc vĩ nhân như Gandhi và Albert Schweitzer đã chứng minh rằng ngay cả trong thời hiện đại này: người hạnh phúc nhất là những người có ít nhu cầu nhất (The happiest people are those with the fewest needs).  Waren Buffet, Bill Gates, Gorden Moore, Thành Long… đều là những người rất giàu và nổi tiếng nhưng sống giản dị, không xa hoa như mấy đại gia ở nước mình, họ sẵn sàng dùng tài sản để giúp xã hội này trở nên tốt đẹp hơn. Rồi Pythago, Socrates, B. Franklin, Nhan Hồi, Trang Tử… cả Bác Hồ nữa, đều có cuộc sống vô cùng giản dị.
Các em nên bớt xem tivi, dùng internet, chơi game lại, đừng ở hoài trong phòng mà hãy dành thời gian tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn, chịu khó quan sát và vui hưởng những điều kỳ diệu của tạo hoá. Khi tiếp xúc với thiên nhiên thì tự nhiên mình sẽ thoải mái, vui tươi lên, tâm hồn mở ra và lòng vị kỷ cũng giảm lại. Levtolstoi từng viết “Làm sao ở chốn thiên nhiên này con người còn có thể giữ lòng độc ác, trả thù và giết hại đồng loại được? Tất cả những thứ xấu xa đáng lẽ phải tiêu tan khi tiếp xúc với thiên nhiên chứ, vì thiên nhiên là biểu hiện rõ ràng nhất của cái mỹ, cái thiện” (Xâm nhập).
Phải biết chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nữa, không có sức khoẻ thì không làm được gì ra hồn hết. Đức Phật từng bảo đó là vốn quý nhất của đời người. Có sức khoẻ ta có cả ngàn điều ước, mất nó rồi ta chỉ còn một điều thôi. Sức khoẻ tốt không có nghĩa là cơ bắp cuồn cuộn, sức mạnh hơn người mà là làm việc hăng say không biết mệt mỏi, ăn ngon ngủ ngon, trí nhớ tốt, vẻ mặt luôn vui tươi, trí phán đoán và hành động chính xác (7 điều kiện sức khoẻ theo S. Nyoichi).
Thêm một điều nữa là phải học hỏi không ngừng, ngừng học lúc nào là ta bắt đầu thụt lùi lúc ấy chứ không phải đứng yên tại chỗ đâu. Thời đại này những người mù chữ không phải là người không biết đọc biết viết là là người không biết tự học (Bill Gates). Học để thoải mãn sự ham hiểu biết, để nâng cao tâm hồn chứ đừng vì bằng cấp, lợi ích này nọ. Ở đời, cái gì rồi cũng chán, trừ cái việc tìm hiểu học hỏi (Virgile). Không có sự ngu xuẩn nào đáng xấu hổ hơn là tưởng rằng mình biết những điều mà thực ra mình không biết (Socrate). Hiểu biết chính là nền tảng của trí tuệ trái tim.
Không biết anh viết như thế có dài dòng, rối rắm và khó hiểu lắm không. Nhiều người bảo rằng anh hơi khó hiểu và triết lý quá, anh sẽ cố gắng sửa đổi. Đồng thời anh cũng thú thật rằng những điều tốt đẹp viết trên anh chưa làm được cái nào trọn vẹn hết, thậm chí nhiều tật anh biết là xấu lắm nhưng cứ phạm đi phạm lại hoài mà chưa sửa được. Điều mà anh nhận ra chỉ là lý thuyết và đã nói suông biết bao lần. Khi viết ra những dòng này anh tự hứa là sẽ cố gắng thực hành và các em cũng vậy nhé.
Điều cuối cùng anh muốn nói: hạnh phúc là có thật, không cần phải tìm kiếm đâu xa, nó ở ngay trong ta nhưng tự mình phải nhận ra điều đó.
“- Một chiếc lá, một chiếc là thôi. Chiếc lá đẹp, tất cả đều tốt đẹp
– Tất cả à?
– Tất cả. Con người không hạnh phúc vì hắn biết rằng hắn không hạnh phúc. Chỉ vì lý do ấy mà thôi.
– Tất cả mọi sự đều nằm ở đó! Tất cả mọi sự là thế! Kẻ nào biết được như thế sẽ được hạnh phúc…”

(Henry Miller)

Hạnh phúc là đấu tranh, đấu tranh với chính mình chứ không phải người khác. Hạnh phúc không tự nhiên mà có. Có rèn luyện, có hy sinh, có gian khổ mới có hạnh phúc bền vững. Một khi có được trí tuệ  trái tim thì tự mình sẽ biết phải làm gì để có được hạnh phúc đích thực. Con đường đầy chông gai ấy thật xứng đáng để đi. Có đi mới có tới, không đi thì không bao giờ tới đích. Có gieo hạt giống tâm hồn mới có quả ngọt tâm hồn. Có trồng cây mới có được hạnh phúc của việc trồng cây. Có nhân mới có quả. Tất cả chỉ là vậy, em nhé!
“Ai trồng cây
Người đó có tiếng hát
Trên vòm cây
Chim hót lời mê say.
Ai trồng cây
Người đó có ngọn gió
Rung cành cây
Hoa lá đùa lay lay.
Ai trồng cây
Người đó có bóng mát
Trong vòm cây
Quên nắng xa đường dài.
Ai trồng cây
Người đó có hạnh phúc
Mong chờ cây
Mau lớn lên từng ngày.
Ai trồng cây
Em trồng cây
Em trồng cây”
(Bài hát trồng cây, Bế Kiến Quốc, sách Tiếng Việt lớp 3)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ