NGHỆ THUẬT SỐNG

NGHỆ  THUẬT  SỐNG
THE ART of  LIFE

 Ven. Master Chin Kung.
Tâm Không dịch

Đạo Tràng Chùa Cổ Lâm. PL. 2547.  
Mục đích học Phật là mở mang trí tuệ; để đạt được mục đích nầy chúng ta phải gạn lọc tâm trí cho thanh tịnh. Trong xã hội hiện đại, những chướng ngại lớn nhất của chúng ta là Truyền hình, máy thu thanh (radio), nhật báo, tạp chí – nội dung của những thứ nầy làm ô nhiễm trí óc chúng ta. Tôi thường khuyên mọi người đừng đọc và nghe những thứ nầy. khi tâm chúng ta thoát khỏi những phiền phức không cần thiết nầy, mỗi ngày chúng ta có thể sống trong bình an và hạnh phúc, như thế tâm trí chúng ta trở lại thanh tịnh.
Với một trí óc không bị đánh lừa, người ta sẽ nhìn thấy những vấn đề của cuộc sống rõ ràng, sâu xa hơn những kẻ khác. Bởi vì khi tâm tập trung và ổn định thì có trí tuệ. Chìa khóa của sự tu tập Phật pháp là có một tâm tập trung và ổn định; thực hành pháp môn Tịnh độ, sự thanh tịnh của tâm là tối quan trọng. Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta luyện tập thanh tịnh, bình đẳng và giác ngộ. Niệm Phật là cách tu tập pháp môn nầy, vì đức Phật A Di Đà là thanh tịnh, bình đẳng và giác ngộ. Khi niệm danh hiệu Phật chúng ta nhớ những đức tính nầy. 
Ở Trung Quốc, Phật giáo chia ra làm 10 tông phái. Ngoại trừ hai tông phái tiểu thừa đã suy tàn, còn có tám tông phái Phật giáo Đại thừa tồn tại. Có hai tông phái (Thiền và Tịnh) thể nhập vào lời Phật dạy qua phương pháp “Hiểu biết/ Giác Ngộ”. Họ hướng đến đích Đại Giác Ngộ để hiểu biết Tâm và Bản thể ( Minh tâm kién tánh ). Thường ít có người đủ khả năng để tự giác ngộ nên không thể đạt đưôc mục đích nhờ phương pháp nầy. Bởi thế, để thực hành pháp môn thiền định cần phải có trí tuệ cao và tâm rất thanh tịnh. Không có những điều kiện nầy, người ta nên bắt đầu học Giáo môn. Môn học giáo lý giúp cho sự hiểu – biết chính xác ( chánh tri- chánh kiến ), như vậy, áp dụng phương pháp “Chân chánh” nầy để thể nhập Phật pháp. Có bốn tông phái theo đường lối nầy là Tông Thiên Thai, Hiền Thủ, Pháp Tánh, Tam Luân ( Tánh Không). Những hành giả của các tông phái nầy nghiên cứu và tuân theo những giáo lý của đức Phật Thích Ca Mâu Ni để sửa chữa những tri kiến, tư tường và hành vi sai lầm. Hầu hết mọi người có khả năng học tập theo pháp môn nầy, nhưng phải trải qua một quá trình lâu dài, như là đến trường học vậy. Phải bắt đầu từ trường tiểu học, rồi dần dần tiến lên từng lớp, lên trung học cấp một, trung học cấp hai và đại học. Học xong lớp nào người ta chỉ đạt được ích lợi của lớp đó.
Hai tông phái nữa là Tịnh Độ và Mật Tông, nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc tu tập tâm thanh tịnh, vậy nên phương pháp của họ thể nhập vào Phật giáo theo đường “Thanh Tịnh”. Pháp môn Tịnh Độ có thể thực hành bởi tất cả mọi hạng người không kể là kẻ thông minh hay ngu dốt. Tất cả đều có thể tu tập và có thể có kết quả khi tu hành Tịnh Độ. Mật tông thì yeu cầu phải có trình độ cao của tâm thanh tịnh, nên khó chứng đắc. 
Sự khác nhau giữa việc tu tập Thanh Tịnh của Tịnh Độ tông và Mật Tông là tông Tịnh độ dạy chúng ta làm cho tâm thanh tịnh khỏi nhiễm ô, trong khi Mật tông dạy chúng ta phải giữ tâm thanh tịnh ngay giữa ô nhiễm, phương pháp này đòi hỏi con người sống trong ô nhiễm mà không bị nhiễm ô, thật sự các nầy quá khó để cho những người bình thường đạt được kết quả. 
Chân trí tuệ phát sinh từ tâm thanh tịnh, thế nên , trí tuệ được nói đến trong Phật giáo không phải nhờ đọc qua hay là nghiên cứu sách vở. trí tuệ có được nhờ học trong sách chỉ là trí thế gian, không phải là chân trí tuệ. 
Trí tuệ chân thực là chức năng của bản thể chúng ta. Bản thể có đầy đủ vô biên trí tuệ, đúc hạnh và khả năng. những tính chất nầy hiện diện trong bản thể của mọi người, và chúng ta phải biết cách làm sao để lấy chúng ra. 
“Phật Đà” có nghĩa là Thanh tịnh, Bình đẳng, và Giác ngộ. Những lời dạy của đức Phật có thể tóm tắt trong 10 điều đơn giản :
         Thật sự chân thành với mọi người.
         Nội tâm thanh tịnh.
         Xem mọi vật đều bình đẳng.
         Hiểu biết chính xác về sống con người và vũ trụ.
         Từ bi cứu giúp kẻ khác một cách khôn ngoan không có điều kiện.
         Nhìn thấu chân lý Vô thường.
         Gạt qua những vọng tưởng và vướng mắc.
         Tự do tâm trí và tinh thần.
         Phù hợp với hoàn cảnh, thuận theo môi trường.
         Tưởng niệm đức Phật A Di Đà, nguyện sanh Tịnh Độ để theo học Ngài.
Năm điều trước (chân thành…từ bi.) thể hiện tâm Phật, cũng là những đức tánh của bản thể. Hiện nay chúng ta không thể hiển lộ những đặc tính nầy bởi vì thiếu tu tập năm điều tiếp sau (thấu lý vô thường…niệm Phật A Di Đà…).
Siêng năng tu hành là điều cần thiết để làm lộ ra những đức tính  của Phật tánh bên trong chúng ta. 
Mục đích của học Phật là thành bậc đại Thiện hảo. Trong tất cả giai cấp xã hội và mọi lãnh vực nghề nghiệp, chư Phật và Bồ tát sinh hoạt như những vai trò mẫu mực cho mọi người noi theo. Đệ tử của đức Phật phải làm gương tốt cho người khác, những gia đình theo Phật giáo phải có đời sống hạnh phúc để làm gương mẫu cho những gia đình khác. Nếu còn là một học sinh, thì việc học tập, hạnh kiểm và sức khỏe là một tấm gương cho bạn bè cùng lớp của mình. Đây chính là một đệ tử của đúc Phật. Khi làm việc hay điều hành cơ sở kinh doanh, ngườio nầy phải đóng vai trò mẫu mực cho tất cả đồng nghiệp noi theo. Như thế, trong Phật pháp mọi việc đều là bậc nhất. 
Một gia đình sinh sống có trí tuệ hoàn hảo là gia đình hạnh phúc, may mắn và an vui nhất trên thế giới. 
Phật giáo là nền giáo dục trí tuệ, bao hàm mọi sự vật, vượt qua mọi ranh giới của đất nước, chủng loại và tôn giáo. Từ khi Phật giáo còn là một nền giáo dục thì không có giới hạn. Đệ tử của tất cả tôn giáo đều được tiếp nhận, nên học hỏi và tu tập theo nền giáo dục của trí tuệ chân thật. 
Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, có 3 điều kiện được nêu ra làm nền tảng căn bản của việc tu tập trong Phật giáo. Hoàn thành 3 điều nầy rồi, người ta sẽ hoàn toàn có trí tuệ, an vui và đúc hạnh.
– Điều kiện thứ nhất là thực hành bốn nền tảng đạo đức của con người :
1. Thực hành lòng hiếu thảo.
2. Kính trọng thầy giáo và bậc trưởng thượng.
3. Nuôi dưởng tâm từ bi và không sát hại.
4. Tu tập 10 Điều Thiện.
– Điều kiện thứ hai là thực hành ba nền tảng huấn luyện bản ngã :
1. Quy y Tam Bảo.
2. Hiểu biết tinh thần của giới luật.
3. Là một công dân tôn trọng pháp luật của thế giới.
– Điều kiện thứ ba có bốn điều thực hành theo Bồ tát hạnh:
1. Phát tâm bồ đề.
2. Tin sâu luật Nhân Quả.
3. Học tập giáo lý Đại Thừa.
4. Truyền bá giáo lý cho những người khác.
Tất cả 11 điều tu tập nầy, mỗi điều đều có ý nghĩa sâu rộng của nó, phải áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, vì đó là căn bản trong 49 năm thuyết pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. 
Phật giáo Đại thừa Trung Hoa được đại diện bởi những đại bồ tát ở 4 hòn núi danh tiếng ( Tứ đại danh sơn ). Trước tiên là Địa Tạng bồ tát ở núi Cửu Hoa, tượng trưng cho lòng Hiếu – Kính. Thứ hai là Quán Thế Âm bồ tát ở núi Phổ Đà, tiêu biểu lòng Từ Bi. Thứ ba là Văn Thù Sư Lợi bồ tát, ở núi Ngũ Đài, đại diện cho Trí Tuệ. Thứ tư là Phổ Hiền bồ tát, ở núi Nga Mi, tiêu biểu cho Đại Hạnh. Bốn vị đại bồ tát nầy tượng trưng cho điểm quan trọng của sự tu tập trong Phật giáo. Là những người mới bắt đầu, chúng ta khởi sự học tập từ Địa Tạng, vì trái đất là gốc rễ đời sống của tất cả chúng sinh. Bởi vì địa cầu nuôi dưỡng mọi chúng sinh và kho tàng nầy có tất cả những của báu, đức Phật dùng để thí dụ cho “ Mảnh đất tâm” hay “Tâm địa”. Chân tâm hay bản thể chúng ta sãn có dầy đủ trí tuệ, đạo đức và tài năng vô tận; chúng ta phải biết làm sao mở kho tàng nầy ra để nhận lấy những ích lợi của nó. Bồ tát Địa Tạng dạy chúng ta hiếu thảo với cha mẹ và tôn kính các bậc tôn sư, thực hành những điều nầy là chìa khóa để mở kho tàng báu vật của bản thể chúng ta.
Lãnh vực của lòng hiếu rất rộng lớn. cha mẹ đã thưong yêu chúng ta biết bao nhiêu trong việc nuôi dưỡng và giáo dục chúng ta, bởi thế chúng ta không phải chỉ phụng dưỡng thân xác họ khi tuổi già mà chúng ta cũng phải nên chăm sóc tâm trí và làm cho họ an vui – đây là thực hành lòng hiếu thảo.
Đối với việc thực hành lòng hiếu, chúng ta phải cố gắng hết sức sống theo niềm mong ước của cha mẹ. Cha mẹ muốn chúng ta trở thành những người lương thiện và có ích cho xã hội, chúng ta nên làm như vậy; làm trái đi là không có hiếu. những trẻ em đi đến trường, nếu học hành yếu kém là bất hiếu, làm cho cha mẹ lo âu và thất vọng. nếu hạnh kiểm xấu, sức khỏe không tốt, hay là không kính trọng thấy giáo, không tiến bộ theo bạn học, đó cũng là bất hiếu.
 Khi trưởng thành tiếp xúc với xã hội, nếu phảnbội chủ nhân, không hợp tác với bạn trong công việc, làm cho cha mẹ ở nhà lo lắng, cũng là bất hiếu. Từ đây chúng ta hiểu được phạm vi thực hành tâm hiếu thật sự rộng lớn biết bao, cho nên toàn bộ Phật pháp là thật sự giáo dục Đạo Hiếu. Theo Phật giáo tâm hiếu hoàn hảo chỉ có thể thực hiện hoàn toàn khi chứng quả Vô Thượng Giác ( quả Phật ). 
Thế hệ hôm nay, nhân loại đã bị ô nhiễm trầm trọng, tâm hồn, tư tưởng, kiến giải, tinh thần và thể xác đều bị nhiễm ô, dẫn đến việc sinh ra nhiều chứng bịnh kỳ lạ. Căn nguyên của những thứ bịnh tật nầy là sự ô nhiễm.
Nếu thân xác và tâm trí con người trong sạch thanh tịnh thì chắc chắn người nầy sẽ không bị bịnh tật hay già yếu. Không già yếu và không bịnh là thật sự hạnh phúc và may mắn. Muốn được như vậy, người ta chỉ cần học và thực hành theo lời Phật dạy.
Thế giới của chúng ta hôm nay, thực phẩm đã bị ô nhiễm bởi độc tố tốc xin và những chất độc hại, chúng ta phải nuôi dưỡng lòng từ bi, vì từ bi là thuốc giải tất cả loại thuốc độc. Tâm từ bi chân thật có thể hóa giải mọi chất độc. Đức Phât đã nói “ Vạn pháp do tâm sanh.” Như thế, một tâm thanh tịnh, bình đẳng và giác ngộ đương nhiên đem lại sức khỏe cho thân thể.  
Khi chúng ta tụng niệm trong khóa lễ buổi sáng và buổi tối trước hình tượng của Phật và Bồ Tát, giống như chúng ta đang phát nguyện tuân theo lời dạy của đức Phật ngay trong hiện tại. Thời kinh sáng nhắc nhở chúng ta không quên những lời Phật dạy và nhớ thực hiện phù hợp với công việc trong ngày. Thời kinh tối là sự phản tỉnh việc làm trong ngày, kiểm soát xem nếu chúng ta hành động phù hợp với lời Phật dạy thì lần sau nên làm việc siêng năng hơn, nếu không thì phải sửa đổi, tìm cách tự mình đổi mới mỗi ngày. Chỉ có thực hành theo phương pháp nầy mới có thể đạt được những lợi ích thật sự. Tụng kinh sáng và tối là sự tu tập căn bản nhất trong việc học tập Phật pháp. Đó là điều cần thiết để mỗi ngày chúng ta tự mình nhắc nhở, phản tỉnh và cải thiện. 
Ai muốn trở thành đệ tử của đức Phật, trước hết nên học theo đức Phật Từ Thị (Di Lặc), ở Hoa Kỳ được biết nhiều với tên “Đức Phật Hạnh Phúc” Đức Phật Di Lặc biểu hiện những yếu tố cần thiết nhất để trở thành người Phật Tử – một gương mặt tưoi cười và tâm hồn rộng rãi ( tượng trưng bởi cái bụng thật to ). Chúng ta phải hiểu rằng những hình tượng Phật là để nhắc nhở chúng ta về những lời dạy bảo, chứ không phải là những thần tượng hay thượng đế để tôn thờ. “Đức Phật Hoan Hỉ” dạy chúng ta khởi tâm bình đẳng và hoan hỉ, như thế mới thể nhập Phật Đạo. 
Nội dung của giáo lý đức Phật rộng rãi bao la và sâu sắc vô cùng, con người không thể nói hết được, vì hương vị của nó là thậm thâm vi diệu.
Hiểu được giáo lý có thể đem lại sự hổ trợ lớn lao cho đời sống, công việc và cách ứng xử với mọi người, và mọi sự.
Phật giáo thật sự vượt qua mọi biên giới của quốc gia, chủng tộc, tôn giáo.
Không có một vật nào mà nó không thể bao dung.
Phật giáo quả thật là một nền giáo dục hoàn thiện viên mãn.
                            
T.Kh. dịch.
(The Art of Living. Ven. Master Chin Kung.) 
—o0o—
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 2-2007

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ