Phải chăng người Việt sống theo tâm lý số đông?

Ngay cả kết hôn cũng nhìn qua nhìn lại, muốn vào cho bằng được hay muốn bỏ dứt khoát không dám nói ra lý do là vì người khác cũng làm thế. Ở Việt Nam phải nói tính bắt chước lây lan trong phần lớn người ta. …
Đôi lúc nghĩ thấy lạ, người ta cứ dằn vặt mình vì những thứ chưa có, khi có rồi lại tiếp tục trăn trở những thứ chưa có khác. Thế nên các nhà marketing rất hay, cứ tận dụng điểm yếu “nhìn qua nhìn lại” này của con người mà bán hàng đắt thật, nhất là ở Việt Nam.
Ngay cả kết hôn cũng nhìn qua nhìn lại, muốn vào cho bằng được hay muốn bỏ dứt khoát không dám nói ra lý do là vì người khác cũng làm thế. Ở Việt Nam phải nói tính bắt chước lây lan trong phần lớn người ta. Chẳng hạn như đi du lịch đâu đó, một người mua cái này là những người khác mua theo, có những quán ăn tệ thế mà cũng được giới thiệu là ngon và cái câu kèm theo là “vì đông khách lắm”. Rồi học hành cũng bắt chước nhau và nhiều bằng cấp “học xong cũng chẳng để làm gì”, nếu có lý do như học cho biết thì cũng đã là khá, nhiều việc học chỉ là học cho giống người khác.
Tôi đang vào mục Tâm sự nên cũng chỉ muốn nói về chuyện tình cảm, ở Việt Nam cũng hay sống theo cái người khác mong đợi chứ không phải chính mình. Chắc gì số đông đã đúng, đã tốt nếu họ chưa từng va chạm, tiếp xúc và sống trong từng thực cảnh riêng mà lâu nay chỉ sống vì bắt chước nhau? Sao cứ phải sợ khác biệt với người khác thế. Sao cứ sợ người khác phải nghĩ gì về mình trong khi mình lại đi ngưỡng mộ, mong ước được như những người vượt trội hơn vì họ khác mình?
Nếu chưa sẵn sàng thì đừng kết hôn, bạn sợ gì? Sợ từ “ế ” chăng? Trả lời thành thật bạn sợ ế hay sợ người khác nói bạn ế? Họ nói được thì tại sao bạn không nói được, rằng chưa kết hôn vì chưa có người khiến bạn yêu, sợ họ không tin ư? Tự hỏi xem sao bạn lại cần họ tin? Vì bạn đang sống thiếu lập trường, sống không phải cho chính bạn và thiếu cảm xúc nội tại. Nguyên lý của hôn nhân, tiêu chí đầu tiên là tình yêu, những mục đích khác đều là thứ yếu tạo nên rủi ro lớn về bi kịch trong hôn nhân.
Ngay cả những nhà cải cách ở Việt Nam, phụ nữ hay đàn ông đến độ tuổi nào đó chưa kết hôn là họ dùng từ “ế” mà không tìm hiểu tại sao, như vậy là thiển cận và giáo điều, không nắm bắt được cốt lõi vấn đề của thời cuộc và điều này tạo nên một lối sống giả tạo như kết hôn cho có, sinh con cho có, ẩn dưới một thực tế đầy rẫy những bi kịch gia đình mà vẫn che giấu dưới cái tên gọi hào phóng là “hạnh phúc gia đình”. Nước ngoài thì không, còn ở Việt Nam do hay bắt chước nhau và những từ ngữ vô tri vô giác được sử dụng nhiều lần một cách vô tội vạ, vô tình khiến người ta nghĩ theo là thật.
Khi phải ly hôn bạn lại sợ, không phải vì bạn không thể mà là người khác lại dùng cái từ “thất bại” để gọi cho cuộc hôn nhân đến hồi kết. Tại sao lại gọi đó là thất bại? Bạn thành lập một công ty, nếu phá sản cũng nhiều nguyên nhân: do thời cuộc kinh tế chung, bạn chưa đủ kinh nghiệm, gặp đối tác rởm, chính bạn muốn đóng lại để chuyển sang lĩnh vực khác. Giống nhau ở chỗ cả hôn nhân lẫn công việc đều không phải một mình bạn tự quyết định và không phải là đường thẳng, nó có những ngả rẽ mà ngay chính bạn dù tài giỏi đến đâu cũng phải có đôi lần bị động trước những tình huống ngoài dự kiến.
Thất bại là chỉ sau khi mọi chuyện xảy ra, bạn không tìm cách xoay chuyển để tiếp tục thử và thử lại. Đừng nói là tình cảm chai sạn hay sợ cành cong ở đây, công việc bạn phải tiếp tục làm để sinh sống thì tình cảm cũng phải xoay theo cách như vậy. Cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ là đối diện lại với chính nó, điều tốt là bạn đã có kinh nghiệm, nếu bạn không rút ra được kinh nghiệm gì thì chịu, không ai có thể giúp được; bạn tránh nó trong khi vẫn muốn có nó là điều không thể. Tìm hạnh phúc theo cách riêng mà bạn kỳ vọng là không đủ mà bạn cần nghiên cứu bằng cách nào để tổng hòa giữa bạn và hoàn cảnh thực tế.
Nếu người khác khuyên bạn không nên ly hôn nhưng từ trong sâu thẳm nhất bạn cảm thấy phải kịch tính như vậy mới cảm nhận được thì đó cũng là quyền của bạn. Họ đâu biết trước đó bạn như thế nào, đã trải qua những gì, cần gì, điều gì là thầm kín nhất của bạn, đâu phải một người có thể cho người khác biết tất cả về mình và cũng không cần thiết. Chỉ là bạn đừng nên than vãn với cách mình chọn, đừng nên hối tiếc vì bạn đang sống cuộc đời của bạn, dám chịu trách nhiệm và khiến bạn trưởng thành.
Lời khuyên hay dư luận luôn có nhưng người khôn ngoan, trưởng thành là nhìn trong chính mình, giữ vững lập trường, chỉ có bạn mới biết bạn là ai đúng nghĩa nhất. Rồi bạn phải chủ động hành động, chỉ có hành động mới làm mọi việc xảy ra. Tất cả những gì xét ở trên đều trong phạm vi đạo đức. Ở các nước phát triển và tiên tiến người ta chuộng sự khác biệt và mở ra nhiều luận điểm, nhiều góc nhìn nên xã hội phát triển. Tôi tự hỏi phải chăng ở Việt Nam không phát triển gì nhiều và tụt hậu xa so với thế giới bởi tư tưởng con người còn quá giới hạn trong sự vị kỷ cá nhân và người Việt còn quá thụ động?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ