Ảo ảnh

Có những người suốt đời chỉ sống bằng ảo ảnh. Ảo ảnh về những bóng hình xa mờ của quá khứ và ảo ảnh về những dự tưởng ở tương lai. Thả hồn theo những lớp sương mù của năm tháng, họ quên đi cả một thực tại đang tràn trề nhựa sống, đang linh động diễn biến không ngừng.
Nhưng trên tất cả những ảo ảnh của thời gian, sự suy tưởng về ảo ảnh tự nó đã là một ảo ảnh.
Đó là điều mà chúng ta ít khi nghĩ đến. Sống qua sự hiện tồn của ý thức và suy niệm của ý thức, chúng ta tưởng rằng mình là thực hữu. Chúng ta đâu biết rằng, đời sống tâm linh lưu động như dòng thác chảy, và nếu rời đối tượng ngoại giới ra, ý thức cũng khó lòng tồn tại. Cho nên, dùng đời sống chủ thể để suy luận, để nhận thức, hay nói khác hơn hoạt động bằng đời sống của bản ngã, chúng ta đã dựng nên một ảo ảnh qua từng ý niệm, qua từng hơi thở của chúng ta. Giáo lý Nguyên thủy Phật giáo đã tìm cách phá vỡ tận cùng cái ảo ma quái và kỳ bí đó bằng đạo lý vô ngã. Nhờ đó, con người thoát ly được cái ảo giác về đời sống của mình để tìm lấy sự bình an tuyệt đối.

Nhưng có một ảo ảnh vĩ đại hơn và mê hoặc hơn là ảo ảnh về một ngoại giới vây phủ quanh ta. Đó là vũ trụ, là cuộc đời, là dòng sinh hóa nhấp nhô từng giây từng phút. Ta tưởng rằng chúng thực hữu, nhưng kỳ thật chúng vô thường. Và căn cứ vào sự vô thường, chúng ta tưởng rằng, tuy biến động không ngừng sự vật tự nó vẫn có đặc tính và bản chất riêng của nó. Nhưng trái lại, sự vật cũng nương vào sự hiện tồn của ý thức mà tồn tại. Tất cả đều dựa vào nhau mà hiện hữu. Cho nên thật là đớn đau và cũng thật là phi lý khi ta đem ảo ảnh tri thức để đi tìm chân lý qua ảo ảnh của ngoại giới. Lấy ảo ảnh để soi tìm ảo ảnh, con người sống bằng tất cả sự mê lầm vĩ đại của con người. Giáo lý đại thừa Phật giáo đã tìm cách phá vỡ cái ảo ảnh về chủ thể và phá vỡ luôn cái ảo ảnh về đối tượng, để con người phủ nhận toàn bộ cái ảo giác về thực tại, và từ đó, nhận chân thực tại được đúng đắn hơn.
Nhưng có lẽ ảo ảnh lớn lao nhất nghìn đời của nhân loại là cái ảo ảnh về một chân lý tuyệt đối, về một Thượng đế, về một Niết bàn. Đó là cái khát vọng muôn thuở muôn nơi được giấu mình trong các chặng đường triết học và được mời gọi trong những chân trời tôn giáo. Con người từ bỏ cái ảo ảnh chính mình, từ bỏ cái ảo ảnh của ngoại giới để đi tìm một ảo ảnh siêu việt hơn và chân xác hơn. Chân xác nhưng vẫn là ảo ảnh.
Con người, trong suốt trường kỳ lịch sử đã nối liền sự hiện hữu với vô cùng. Nhưng cũng suốt trường kỳ lịch sữ, trừ vài bậc đại giác, con người không thể nào đạt được kết quả hoàn bị. Cũng chính vì cái ảo ảnh đó, mà Thượng đế được ngự trị trên thế gian. Niết bàn được vượt lên trên đau khổ, giáo pháp được chia là chân đế và tục đế, bờ bên này khác hẳn với bờ bên kia. Và cũng vì cái ảo ảnh đó, mà khát vọng giải phóng tuyệt đối, tự do tuyệt đối, an lạc tuyệt đối được đặt ra ở cuối đường của cuộc sống. Nhưng nếu biết rằng giải phóng tuyệt đối, tự do tuyệt đối, an lạc tuyệt đối chỉ là những ý tưởng thành hình trong ý niệm, chỉ là những ảo ảnh của tri thức, thì chẳng ai cần phải khát vọng làm chi. Đức Thích Ca Mâu Ni, tổ Bồ Đề Đạt Ma, tổ Huệ Năng, chính là những người đã thoát ly được cái ảo ảnh về sự giải phóng đó.
Không phủ nhận, không chấp nhận; không hữu tâm cũng không vô tâm. Những bậc đại giác chỉ có sống, hồn nhiên sống, cảm ứng sống, nhưng sống với chân lý là một.
Họ tháo gỡ được cái ảo ảnh về bản ngã, về cuộc đời, về chân lý, và tháo gỡ luôn sự tháo gỡ để chẳng còn gì để tháo gỡ nữa.
Bờ bên này chỉ là ảo ảnh, bờ bên kia cũng chỉ là ảo ảnh. Sống không ảo ảnh mới là giác ngộ.
Đó là cái tri kiến Phật mà đức Thích Ca xuất hiện để chỉ bày cho chúng sanh ngộ nhập. Đó là con đường mà ngài Huệ Năng gọi là vô niệm, Duy Ma Cật gọi là bất nhị. Đó cũng là giáo lý vô ngã tối thượng của Phật giáo vậy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ