Sống có ích vì biết vô thường

Đức Phật dạy chúng ta hiểu được lý vô thường, mục đích là để cho ta biết sống có trách nhiệm về mọi hành vi của mình, biết sống có bổn phận đối với ta và với mọi người, không bi quan, yếm thế, không chán nản, buồn lo trước cuộc sống tạm bợ, kiếp người mong manh này.
Cũng bởi kiếp người vốn vô thường, ngắn ngủi, mong manh, cho nên trong Khế Kinh có kể rằng: Có một người chuyên làm việc ác, khi chết bị quỷ sứ bắt vong hồn dẫn đến trình vua Diêm Vương. Vua hỏi:


– Ở trần gian sao ngươi không làm việc thiện mà chuyên làm việc ác như vậy, để bây giờ bị đọa xuống đây chịu hành hình?
Vong hồn người ấy trả lời:
– Thưa Diêm chúa, ở trần gian chúng tôi, nhà nước muốn làm việc gì còn thông báo trước, tại sao ở Âm phủ, Ngài bắt chết đột ngột thế này, thử hỏi làm sao tôi làm việc thiện cho kịp?
– Ngươi ở trần gian có thường thấy người già, người bịnh, người chết hay không?
– Dạ thưa có.
– Đó là những thông điệp mà ta đã báo trước cho người trần gian đấy, ngươi có thấy trên đời này có ai không phải chết không?
– Dạ thưa không.
– Vậy tại sao ngươi không lo tu tập, lo làm việc thiện, để bây giờ bị giải xuống đây rồi ngươi lại cãi chày, cãi cối với ta?
Lúc bấy giờ có một vong hồn trẻ tuổi ngồi bên cạnh liền lên tiếng phản đối Diêm Vương:
– Thưa Ngài, tôi không chịu đâu, Ngài thật là không công bằng chút nào, đối với ông già kia Ngài đã gửi nhiều thông điệp cho ông ta, còn tôi Ngài chưa hề gửi cho một thông điệp nào mà bắt tôi xuống đây, thật oan uổng cho tôi quá!
Diêm chúa nghe vong hồn khiếu nại, liền cười:
– Tại ngươi không chịu thấy, chứ ta làm việc rất công bằng, không có chuyện thương người này, ghét người kia. Ta lúc nào cũng có gửi tin báo trước cho mọi người, tại ngươi không để ý đó thôi!
– Ngài gửi bao giờ, sao tôi không thấy?
Diêm chúa cười:
– Ngươi có thấy nhà đứa bé kế bên ngươi không? Nó mới năm tuổi mà chết vì tai nạn giao thông đấy! Còn ngươi lớn tuổi hơn nó lẽ nào lại không chết. Ta lúc nào cũng chí công vô tư, tại ngươi không chịu để ý hoặc ngươi thấy mà không suy nghĩ đó thôi.
Đạo Phật dạy, mạng sống con người vốn vô thường, ngắn ngủi, giống như ngọn đèn trước gió, có thể bị tắt bất cứ lúc nào. Thân người cũng vậy, không phải ai cũng chờ đến già, bệnh mới chết mà mạng sống kết thúc bất cứ lúc nào với muôn ngàn lý do, vì vậy mà có câu: “Chớ bảo đến già mới tu tập Mồ hoang cũng lắm kẻ đầu xanh”.
Hiểu được lý vô thường của vạn vật để mỗi người chúng ta cố gắng học hỏi và tu tập, đem tình thương đến với muôn loài. Chúng ta đừng quá tham đắm vào xác thân này, mà làm khổ lụy người khác.
Câu chuyện trên cho ta một bài học đạo lý về mạng sống con người. Quý vi nhớ rằng, sau khi chết không phải là hết, là mất hẳn, mà cái chết là cái hình thức thay hình, đổi dạng, rồi tùy theo nghiệp báo tốt, xấu của mỗi người đã gieo trồng trông hiện tại mà cho ra kết quả trong tương lai. Không có gì mất hẳn dù là hạt bui, hạt cát.
Hiểu được lý vô thường để mọi người chúng ta sống có ý nghĩa hơn, làm được nhiều điều tốt lành, có lợi ích cho mình,cho người trong hiện tại và chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp, tươi sáng trong đời sống tiếp theo.
Có được như vậy, đến khi thần chết hiện đến ta không sợ hãi, hốt hoảng mà bình thản ra đi với một hành trang tốt, còn những thứ của thế gian như tiền tài, vàng bạc, nhà cửa ta đều bỏ lại không mang theo được một món nào, lúc ấy chỉ có nghiệp báo tốt, xấu do ta tạo dựng lúc còn sống là nó theo ta mà thôi. Biết được như vậy, lúc lâm chung ta sẽ an lòng ra đi không tiếc nuối bất cứ một thứ gì của thế gian, kể cả sự sống.

Nguồn tin: Thích Đạt Ma Phổ Giác

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ