Thái độ xem thường sự giản dị mà coi trọng sự phức tạp

Người tu đạo tất nhiên phải chú trọng nhiều hơn đến nội tâm. Một khi đã chú trọng đến cuộc sống tâm linh thì hình thức phức tạp bên ngoài dần dần trở nên đơn giản hóa. Càng dành thời gian tu luyện thì nội lực càng sâu vì thế hình thức càng đơn giản. Một khi thâm nhập đạo thì cuộc sống của hành giả trở nên giản dị, thanh sơ và phong thái trở nên thong dong, nhẹ nhàng và an lạc hơn.
Thế nhưng đa phần người học đạo chúng ta lại có thái độ xem thường những ai sống cuộc đời giản dị, thanh sơ. Chúng ta thường ít quan tâm cũng như thăm viếng những bậc tri túc, thanh bần nhưng lại quan tâm, hay bắt quàng làm họ với những ai đầy quyền lực và chức tước. Chúng ta thường nể sợ và khúm núm, luồn cúi trước những kẻ quyền lực nhưng lại tỏ ra khinh thường ngạo mạn với những bậc thanh bần. Chúng ta tỏ ra thích thú với sự mới lạ hấp dẫn ở hình thức tôn giáo. Chúng ta thường chen lấn vào những đạo tràng đông đúc; thích thú với những đàn cúng tế màu sắc sặc sở, rùm beng, ưa thích những huy hiệu, những mode y áo đạo mạo. Chúng ta thường nghe đạo hữu hỏi nhau ‘đạo tràng đó có đông không?’ chứ ít khi nghe ‘đạo tràng đó tu học có thực sự an lạc không?’. Sự thăm hỏi đạo lý và lĩnh vực nội tâm dần dần bị thay thế bởi sự thăm hỏi về xây dựng hình thức tôn giáo.
Chúng ta có thể sót sắng nhiệt tình, vất vả, tốn nhiều công sức và thời gian cho việc tạo dựng và bảo vệ hình thức nhưng ít chú trọng đến sự chuyển hóa nội tâm. Chúng ta thường quý trọng phẩm trật, chức tước, dáng vẻ bên ngoài, hình thức giáo hội tôn giáo hơn là nội lực tôn giáo. Đến một lúc, chúng ta tự thấy mình có công đức, công quả trong vấn đề xây dựng hình thức tôn giáo và vì thế cái bản ngã và ngã sở tôn giáo cũng nương theo và dần được tạo lập một cách chắc chắn. Thế rồi chúng ta nghĩ thế giới tâm linh phải là màu sắc thế nọ hoặc thế kia. Thế là ảo tưởng về một viễn cảnh huy hoàng, tráng lệ, trang nghiêm của thiên đường, cực lạc được vẻ ra. Sau khi tưởng tượng và vẻ xong, chúng ta lại thiết lập một loại giáo lý – một con đường để đi về được đến đó. Một thế giới ảo tưởng tất nhiên phải đi đến bằng loại giáo lý viễn vông.
Chúng ta lại sốt sắng, nhiệt tình và tỏ ra thành tâm với loại giáo lý viễn vông bằng công phu viễn vông. Toàn là vọng tâm hướng ngoại. Chúng ta thường nghĩ rằng cần phải cố gắng đọc tụng bao nhiêu kinh chú, lần đủ bao nhiêu tràng hạt, tham gia bao nhiêu thời khóa, có mặt bao nhiêu đạo tràng thì mới đắc quả. Thật ra đó chỉ là bề mặt. Chúng ta không chú ý cái bề chìm là chuyển hóa bao nhiêu lăng xăng, sợ hãi, âu lo, tham vọng, mưu mô, xảo quyệt, ganh ghét, đố kị, thù hận, muộn phiền, chán nản… thành yêu thương, bao dung, vị tha, thảnh thơi, an lạc, tự tại… thì tất cả công phu chỉ là luống uổng.
Vì chỉ lo vọng tâm hướng ngoại và thích thú với bao hình thức tôn giáo nên không còn thời gian để chuyển hóa tham, sân, si. Cho nên bên ngoài hình thức được trang sức trông giống người có tôn giáo nhưng bên trong bức màn vô minh vẫn còn dày đặc. Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, tà kiến, thủ, hữu, phiền não, nghiệp chướng…vẫn còn đóng khối. Hình thức là lĩnh vực dể bắt chước và cũng dể bị thay hình đổi tướng. Chúng ta vui mừng khi có một hình thức đẹp và buồn khổ khi hình thức đẹp bị thay đổi biến hoại. Thế thì sự vui buồn chúng ta cứ mãi chạy theo với sự được mất của hình thức. Đó là một nỗi khổ.
Một khi người học đạo trở nên đơn giản hóa hình thức và chú trọng đến việc chuyển hóa nội tâm xấu ác thành thánh thiện an lạc bên trong thì cuộc sống trở nên giản đơn, thong dong và tự tại.

Thông Nhã

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ