Khóc thì hổ ngươi, cười ra nước mắt…

Những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của người Việt trên các mạng thông tin, báo chí, cứ như rác bẩn mùa mưa lũ, muốn trôi ngập sông suối cuộc đời.
Xem cảnh “đối xử” với buffet mà không dám tin vào mắt mình bởi rõ ràng đó là cảnh cướp giật ngay giữa bàn ăn ở chốn đông người.
Nhìn ảnh 2 cô gái xinh “hết biết” cưỡi cổ rùa Văn Miếu, chân thẳng căng kẹp chặt đầu rùa mà bất bình và xấu hổ thay.
Và nhất là câu chuyện 2 mẹ con con voọc chà vá quý bị giết thê thảm, bị tung lên mạng với thái độ cười cợt, vô liêm sỉ. Nói như cách của Kỳ Duyên thì cần phải hỏi: “Giữa động vật hoang dã và con người, ai là loài… hoang dã hơn đây”?
Những điều trông thấy…
Một người bạn là giám đốc 1 công ty du lịch ở châu Âu thường kể cho tôi nghe về cung cách ứng xử … “hổng giống ai” của người Việt mình, luôn tạo nên vô số cảnh khóc thì hổ ngươi, cười thì ra nước mắt.
Người kể khẳng định rằng những chuyện xót xa của các vị “trưởng giả, trọc phú” từ Việt Nam khi ra nước ngoài, có viết cả vài chục bài báo vẫn là chưa đủ(!)
Có “bà lớn” người Hà Nội, đi theo tour, ăn theo menu đặt trước mà cứ khăng khăng bắt hướng dẫn viên phải vào bếp yêu cầu thịt bò philet “bởi ở nhà, tôi chỉ ăn mỗi thế”. Bà ta không cần biết rằng cái bếp Tây nó nghiêm ngặt lắm, chẳng có người lạ nào có thể mon men.
Du khách Việt đi với nhau, bề ngoài thì tỏ ra đoàn kết nhưng nói cười cứ oang oang, mục hạ vô nhân. Hệt như nhà hàng là phòng ăn của nhà mình, thậm chí, ngồi ở bàn này nói chuyện “văng” qua… bàn của mấy ông Tây, đến bàn… ông Việt!
Có bà thì bắt lái xe giữ con nhỏ để bà ta đi toillet, khi lái xe Tây không chịu thì kiện, đòi… viết báo? Bà ta đâu có hiểu rằng mỗi người 1 việc, không ai là đầy tớ của ai, tôn trọng lẫn nhau là điều tối thiểu mà mọi lời đề nghị… khiếm nhã đều phải suy xét đủ đầy.
Rồi những chuyện như đòi mở máy lạnh trong khi nhiệt độ ngoài trời ở Paris là… 13 độ C, vì “ở nhà mở máy lạnh mới ngủ được”. Uống 5 chai bia, nhà hàng bắt trả 500 euro (tương đương 14 triệu), không chịu trả, nhà hàng đành gọi cảnh sát đến…
Chuyện khi ra nước ngoài sơ sơ thế, nhưng còn chuyện ngay ở chính quê hương mình thì sao? Chỉ xin dẫn vài ví dụ nhỏ về cách ứng xử của tầng lớp tinh hoa nhất của tương lai là sinh viên- lĩnh vực mà tôi tiếp xúc nhiều, biết khá rõ.
Ở 1 mức độ nào đó có thể nói rằng sinh viên là hình ảnh thực nhất về văn hóa- giáo dục, tình trạng xã hội của 1 quốc gia. Thế nhưng, những cung cách ứng xử của họ mà tôi biết thì …hơi đáng buồn.
Một nữ sinh, từng được vài tờ báo ca ngợi là sakura của nước Việt, là 1 trong những ngôi sao sáng của bầu trời Đông phương học nhưng văn hóa ứng xử rất …tự nhiên chủ nghĩa. Đến phòng thầy giáo, vừa gõ cửa xong là “xô” vào ngay, bất kể thầy chưa mời, thậm chí chưa kịp mặc quần áo.
Nhiều sinh viên cứ thích thì gọi điện thoại, bất kể sáng trưa chiều tối, bất kể chủ nhật hay ngày lễ, trong khi các thầy, cô giáo cũng bận rộn, mà lẽ ra, họ chỉ cần 1 tin nhắn tốn vài trăm đồng xin phép trước để được gặp.
Đứng trước mặt thầy cô giáo, thì luôn khép nép, cong lưng, nói năng thì ấp a ấp úng. Chưa cần nói đến điều chân, lẽ phải của khoa học, họ chỉ mải sợ làm… mếch lòng thầy cô, mà hầu như chẳng dám phản biện bất kể điều gì.
Có 1 câu chuyện đau lòng: Sinh viên lớp tôi chủ nhiệm, phản ánh rằng thầy XYZ luôn làm khó dễ và gợi ý phải đến thăm thầy để “trao đổi” kiến thức. Quà cho thầy phải là nho Mỹ, kèm đó là phong bì, nếu không có phong bì là bị… trả lại.
Môn học thầy dạy, ít nhất mỗi sinh viên nạp 50.000 đồng, thì có… hạn chế câu hỏi, không có phong bì, thì “học gì thi nấy”. Phong bì mỏng “hạn chế” 20 câu hỏi ôn tập, phong bì hơi dày thì…10 câu hỏi, phong bì dày chỉ còn… 5 câu hỏi ôn tập(!)
Nếu như “văn hóa” của thầy trong mắt sinh viên mà như thế, thầy sẽ dạy cho trò “làm người” ra sao?
Thử lý giải những nguyên nhân
Bắt đầu từ chuyện “dạng cả 2 chân kẹp đầu rùa”. Sẽ có người cho rằng đó là hành vi “hưng phấn của cảm xúc tức thời”, rằng đó chỉ là phút của bồng bột thiếu nghĩ suy…. Nhưng thực tế không phải thế.
Ta buộc phải nhìn nhận rằng từ vô thức (unconscious), có nghĩa là từ bản chất của văn hóa ứng xử, 2 cô gái kẹp đầu rùa không hề coi chuyện công khai hóa tư thế ngồi dạng cả 2 chân là điều phản cảm.
Cũng từ vô thức, họ không hề cho rằng bia Văn Miếu là điều thiêng liêng, là quốc hồn, quốc túy của văn hóa hiếu học, trọng lễ nghĩa. Nói cách khác, lớp trẻ mất cái nền tảng văn hóa tối thiểu nên ứng xử như trên chỉ là hệ lụy, phần ngọn của sự kém cỏi, nếu không muốn nói thẳng là vô văn hóa.
Chuyện hành hạ – giết voọc dã man đã không còn là hiện tượng nữa mà cần phải day mặt, chỉ tên, theo cách nói của GS Ngô Đức Thịnh, là những kẻ thủ ác máu lạnh ngày càng bị trẻ hóa (GDVN, 1/8).
Sự vô cảm, tàn nhẫn, thú tính phản ánh sự suy đồi văn hóa trầm trọng. Thích thú với sự độc ác, lại còn dám “chia sẻ” sự ác độc ấy cho cộng đồng là dạng thức tâm lý thú tính, không thể là của con người. Không phải ngẫu nhiên mà chuyện giết voọc chưa kịp lắng xuống, đã xẩy ra chuyện 1 kẻ ác khác thẳng tay chém 1 bé gái 4 tuổi, để hiếp 1 bé gái lên 8(!)
Xưa, ông cha ta thường nói, miếng ăn là miếng nhục (nhục vừa có nghĩa là nhục nhã, lại có nghĩa là bản tính tranh giành xôi thịt), miếng ăn quá khẩu thành tàn. Nhưng những người có mặt trong cái clip buffet xấu hổ trên không cần biết “chuyện đời” mà chỉ biết đến cái dạ dày tối thui của chính mình!
Thủ đô là tinh hoa văn vật của cả một nền văn hóa hàng ngàn năm. Vậy mà có rất nhiều chuyện phản cảm, nặng nề, vô cảm trên báo chí, dư luận thì Hà Nội cũng không phải ngoại lệ. Sự thật đáng buồn đó buộc chúng ta phải tự hỏi là Thủ đô còn như thế, những nơi không được “dạy văn hóa Thủ đô” thì sao đây?…
“Ở ta nỏ có chuyện nớ”
Tôi nói với bé Kent, cháu ngoại 2 tuổi rưỡi là ông đưa đi chơi đu quay nhé. Cháu dạ liền và tôi nói tiếp, đưa đi cô giáo (mẫu giáo) nhé, cháu nói không ngay lập tức. Cái dạ và không đó tạm coi là vô thức, là văn hóa cảm tính vừa mới hình thành nhưng đã định hình sâu và rõ trong tâm hồn của 1 đứa trẻ.
Xét về khái niệm bản chất, văn hóa của người lớn thì về cơ bản cũng tương tự. Làm thế nào để di truyền cách ứng xử tự nhiên nhất, lành mạnh nhất cho toàn thể cộng đồng mới là điều quan trọng nhất.
Mẹ tôi 87 tuổi, sang Singapore. Tôi hỏi sau khi bà cụ về nhà: “Cái chi làm mẹ thấy lạ nhất”? Bà cho biết, có 1 lần khi bà vừa xuất hiện ở phòng đợi nhà ga nào đó, hàng chục người đồng loạt đứng dậy, hướng về phía bà, làm cho bà bối rối, hoảng sợ, “sợ là trang phục hay mặt mũi của mình có vấn đề…”
Mãi sau bà mới biết rằng hàng chục người đó gần như đồng loạt đứng lên là để nhường ghế cho bà! Bà kết luận: “Ở ta nỏ có chuyện nớ”.
Làm thế nào để mỗi đứa trẻ hay người lớn từ vô thức văn hóa đều hiểu rằng, vất rác ra đường là thiếu văn minh. Rằng khi người khác mở ví, nhìn vào ví là điều xấu hổ. Rằng nếu lên xe đi chơi tập thể thì mặc nhiên nam giới chỉ lên sau khi phụ nữ đã ổn định chỗ ngồi…
Mãi sau bà mới biết rằng hàng chục người đó gần như đồng loạt đứng lên là để nhường ghế cho bà! Bà kết luận: “Ở ta nỏ có chuyện nớ”.
Có 1 chuyện làm tôi ngượng đến giờ: Khi 1 người bạn ở Pháp tặng tôi một món quà, tôi mừng líu lưỡi và quên cả cảm ơn. Khi bạn ấy nhắc, anh không cảm ơn à, tôi mới nhớ ra. Thì ra, từ vô thức văn hóa, tôi nói hay thế, nhưng làm thì không phải vậy, vẫn cứ quên như thường. “Quên” trong trường hợp này thực chất là văn hóa ứng xử chưa đủ chín như tôi nói và muốn.
Một ví dụ có thể phản ánh rất rõ là khi đi mua hàng, nếu món hàng bị nói thách cao thì lập tức ai trong chúng ta cũng phản ứng tức thì, là “đắt quá”. Trong khi đó, khi “thụ ân” của ai đó thì chẳng hề tức thì nói cảm ơn.
Tôi vừa có khảo sát nhỏ: Vừa rồi cả cơ quan tôi đi tham quan Lào. Tôi có làm “thơ” phát cho mỗi người 1 bản, để nhớ vài ba từ tiếng Lào cho dễ, trong đó có câu: Đắt quá thì nói peng lài/ Cảm ơn thì nhớ khộp chai người tình. Suốt chuyến đi, peng lài thì ai cũng nhớ, còn khộp chai thì chỉ có vài ba người không quên.
Vài dẫn chứng trên cho chúng ta biết rằng văn hóa ứng xử phải được hình thành “tự nhiên” ngay từ khi còn nhỏ và liên tục được nuôi dưỡng, vun đắp suốt thời gian sống của cuộc đời. Vai trò của các giáo viên mầm non, mẫu giáo, tiểu học là vô cùng quan trọng.
Nếu đứa trẻ bị hổng văn hóa ứng xử trong giai đoạn thiết yếu này thì sẽ bị hổng suốt đời. Cũng tương tự như thế, khi chúng ta thấy một khi “người lớn” coi chuyện đỗ tốt nghiệp THPT 100% không liên quan gì đến chuyện bạt ngàn điểm 0 thi đại học, hay chuyện quan chức cứ tham nhũng, báo chí cứ nói, mọi việc cứ như cũ thì vết hằn dối trá trong ứng xử của thế hệ trẻ- của cả xã hội là chuyện đương nhiên.
Muộn còn hơn không là điều bắt buộc phải biết: Cách giáo dục như hiện nay là quá sai lầm bởi những nhà giáo dục học quên mất rằng ứng xử đúng là điều quan trọng nhất của văn hóa sống. Vì không biết ứng xử thế nào là đúng nên cái sảy nảy cái ung, lâu dần dẫn đến sự tồi tệ hóa của văn hóa.
Xã hội có nhiều chuyện đau lòng vì con người không biết cách ứng xử với nhau. Triết lý về “cửa sổ vỡ” của Jame Q. Wilson và George Kellin đưa ra, đúng đến muôn đời.
Hai ông tin rằng tội phạm là hệ quả tất yếu của sự mất trật tự (ứng xử sai). Nếu không ai quan tâm vài cánh cửa sổ bị hỏng thì không lâu sau nhiều cánh cửa khác sẽ bị đập vỡ. Dần dà, ý thức về sự vô chủ, hỗn loạn sẽ lan rộng…
Chúng ta coi thường những chuyện “nhỏ” nên khi nó thành “to” thì sợ hãi đến mức bối rối, bất lực một cách đáng thương…

Tác giả: Hà Văn Thịnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ