Lẽ vô thường

Chúng ta thường nói “vật đổi sao dời” nhưng mấy ai để ý đến lý lẽ thâm sâu ẩn chứa trong đó. Mọi vật trong vũ trụ đều thay đổi, có sinh thì có tử, có thịnh phải có suy, có trẻ thì phải có già, có hợp thì phải có tan. Không có gì có thể đứng cố định và bất biến. Vị trí của các vì sao hoặc hành tinh to lớn như mặt trời, mặt trăng hay trái đất cũng như vị trí cuả các nguyên tử trong mọi vật chất đều luôn luôn thay đổi. Hoa kia sớm nở tối tàn. Người thân của ta mới cười đùa gặp gỡ, nay đã qua đời sau một tai nạn hay một cơn bạo bệnh.
Vốn biết đời là lẽ vô thường như thế, nhưng có mấy ai trong chúng ta có thể đón nhận những biến cố một cách bình tĩnh và an nhiên. Ngược lại chúng ta thường tỏ ra bàng hoàng và đau khổ mỗi khi đối diện với cái chết của người thân quen hoặc của chính mình. Trong xã hội ai nấy đều ham sống nhưng rất sợ phải chết. Tại sao chúng ta không bình tĩnh coi đó như một lẽ tự nhiên như ăn với ngủ? Hay nói một cách khác như một lẽ vô thường của kiếp nhân sinh? Chúng ta thử mạnh dạn đương đầu với ý nghĩa của sự chết. Biết đâu ý nghĩa này sẽ vang dội trong tâm ta và thức tỉnh ta. Chúng ta hãy đội ơn trời đất đã sinh ra chúng ta và cho chúng ta một cơ hội để làm người, một đặc ân hiếm có và một cơ duyên ngàn năm kỳ ngộ. Hiểu được như vậy, chúng ta hãy tận dụng cơ duyên này để sống làm sao cho cao đẹp và hạnh phúc. Chúng ta đến từ hư không và trở về với hư không. Cuộc đời chỉ kéo dài mấy chục năm, rồi già, rồi bệnh, rồi chết. Vậy tại sao ta không gạt bỏ cái ta, cái bản ngã to lớn của mình, để hòa đồng với mọi người và vũ trụ, để được hưởng tối đa từng giây từng phút sự biến chuyển kỳ lạ của thiên nhiên.
Nhìn sự vật một cách thấu suốt và rộng lớn khiến tâm ta rộng mở. Để rồi có những điều mình tưởng là lý thú, là quan trọng, phải chiếm cứ cho bằng được với bất cứ giá nào, sẽ trở nên chỉ là những thứ tầm thường hay tương đối mà thôi. Dần dần chúng ta có thể dễ dàng không tham lam, cuộc sống của chúng ta tự nhiên thay đổi. Chúng ta sẽ có nhiều thì giờ để sống với thiên nhiên và với mọi người chung quanh. Như vậy từng giây từng phút một sẽ trở nên thú vị và có ý nghĩa hơn.
Nói xuông như vậy thì dễ. Nhưng thực hành thì khó hơn nhiều. Lòng ham muốn thứ này vật kia, được rồi lại muốn cái khác lạ hơn, đẹp hơn khiến ta chẳng mấy khi được ngơi nghỉ. Luôn luôn chúng ta tranh đấu vật lộn để dành giật về cho mình càng nhiều càng tốt. Có nhiều thói quen và tiện nghi đời sống đã gắn bó với chúng ta từ khi chào đời, làm sao chúng ta có thể từ bỏ được. Đã không bỏ được, chúng ta còn lên cấp chúng là khác. Chúng ta mập mờ coi đó như bản hiệu lý lịch (indentification) của mình, bây giờ nếu cởi bỏ, thì còn đâu là “mình” nữa. Đã từng mặc đồ lớn, vàng kim cương đầy mình, nhà cao, xe đẹp, bây giờ không có thì kỳ quá, ai nhận ra “mình” nữa. Thôi có rách thì cũng cố giữ lấy lề. Một vài lần, ý nghĩa của vô thường có thức tỉnh ta, rồi ta có cố gắng dẹp bớt tham lam chút ít nhưng rồi không xong. Bạn bè chê cười xa lánh làm chúng ta nhột và khựng lại. Ngựa quay về đường cũ và thấy yên thân hơn. Tóm lại, chúng ta thiếu can đảm để cởi bỏ cái áo “bản hiệu” thân quen. Một khi “cái ta” bao phủ kín mít, làm sao chúng ta có thể nhìn thấy được cách ta đang sống, nói chi đến sự thay đổi lối sống.
Nếu chưa từ bỏ được những cách sống đầy đủ tiện nghi vật chất và những lề thói do xã hội hủ lậu đặt ra, chúng ta vẫn mơ hồ không thoát được bể tham sân si, vẫn tiếp tục mù quáng vật lộn tranh dành những cái thực sự không cần thiết cho hạnh phúc của mình và những người thân của mình. Đành rằng chúng ta phải kiếm kế sinh nhai, tạo dựng cuộc sống tiện nghi tốt đẹp. Nhưng nên nhìn thấy đâu là giới hạn của nó. Chắc hẳn kinh nghiệm sống cũng cho chúng ta thấy có những người tham lam quá đáng. Họ tìm kiếm danh vọng tiền tài đến rồi phải hy sinh cả hạnh phúc của gia đình, sức khỏe và ngay cả mạng sống của mình. Cuối cùng hoặc là thành công hoặc là thất bại, họ đều sống trong ê chề, cô đơn, và buồn khổ, có khi phải đi kiếm cái chết để trốn thoát cuộc đời.
Có những người sẵn sàng chiến đấu và ngay cả liều mạng cho một lý tưởng nào đó, nhưng lại không thể nào từ bỏ được những cái nhỏ bé tầm thường, nguyên nhân của phiền khổ trong đời sống của họ. Thí dụ một nhà cách mạng bôn ba khắp nơi mưu cầu cơm no áo ấm cho muôn dân, nhưng có dịp về nhà là đĩ điếm, rượu chè bê bét làm khổ vợ khổ con. Rõ ràng là chúng ta hiểu được nguyên nhân của khổ đau, nhưng thật là lạ lùng, chúng ta cứ để mặc cho những định luật tâm lý đó ngự trị trong ta. Tại sao chúng ta cứ cố chấp ôm chặt lấy những thói quen, những cung cách và những lề thói đó? Chúng ta sợ mất bạn bè, mất danh giá hoặc mất vui chăng?
Suy gẫm thật kỹ thật sâu thấu suốt vấn đề, có lẽ chúng ta sẽ nhận chân được sự thực. Sự thực là lòng tham lam tiềm ẩn bên trong chúng ta. Nó chính là nguyên nhân của mọi khổ đau. Nhận ra chân tướng của đau khổ rồi, bây giờ chỉ cần chúng ta phải quyết tâm từng bước một cải thiện thái độ tiêu cực của chúng ta. Trong xã hội chạy đua theo vật chất này, phân biệt được chân giả quả là một vấn đề gay go. Nhưng chúng ta hãy bình tâm đừng vội nản và cương quyết đi theo đường lối quân bình và lành mạnh. Rồi dần dần tự nhiên chúng ta sẽ tìm ra “đạo”. Chúng ta không cần phải lìa bỏ gia đình đi tu để thay đổi, vì sự tu sửa chỉ thực sự có thể bắt nguồn từ bên trong của chúng ta.
Thông thường chúng ta được chỉ dậy để trở nên thánh thiện có nghĩa là lánh xa thế tục. Tuy nhiên, một người tu đạo vẫn có thể sống thoải mái, thưởng thức công việc, chăm sóc gia đình và vẫn thành công trong xã hội thế tục. Chúng ta cũng được dậy đừng vị kỷ. Nhưng thực sự chúng ta vẫn có thể vị kỷ để chăm sóc bản thân ta, không bằng cách ích kỷ, chộp giựt và xấu xa, nhưng bằng cách ngay thẳng, hòa hợp quân bình giữa thân và tâm. Chúng ta thử cẩn thận suy xét những ý nghĩ, những cảm nghiệm và những giác quan của chúng ta, có khi chúng ta sẽ tự hài lòng với chúng ta và rồi sẽ cởi mở hơn với tha nhân. Được như vậy khả năng yêu thương của chúng ta sẽ được sẽ gia tăng và tâm hồn của chúng ta sẽ được vui thú và bình an.
Nhưng thông thường chúng ta vẫn tiếp tục nếp sống thụ động. Sống như vậy chứng tỏ chúng ta vẫn chưa biết thưởng thức cuộc đời và như thế rất ít khi được thỏa mãn một cách mỹ mãn. Chúng ta luôn bực bội với hiện tại và tâm tư trĩu nặng với mọi chuyện xẩy ra ngoài ý muốn. Thật khó lòng nếu ta phải đón nhận mọi chuyện xẩy đến một cách cởi mở và trực tiếp. Vấn đề là chúng ta luôn luôn sống với quá khứ và tương lai, và bất bình với hiện tai. Chúng ta luôn cầu mong tương lai sẽ to lớn hơn, sâu rộng hơn và tràn đầy hơn. Vì thế làm sao ta có thể hài lòng khi mà chúng ta không ngừng chuẩn bị cho gia đình, cho tình yêu và các thú vui đủ loại. Ta thường phân chia thì giờ để làm việc và hưởng thụ. Sự thật là một phần nào chúng ta làm việc để chuẩn bị hưởng thụ, và luôn mong chờ các cuộc vui chơi, cuối tuần hoặc nghỉ hè. Nhưng tự hỏi chúng ta có thực sự vui thú trong những thời gian đó không? Có xứng đáng với công lao chuẩn bị không? Có thể nào ta tìm vào bên trong để vui với chính ta, thay vì tiếp tục tìm thỏa mãn bên ngoài? Khi ta tìm được cảm hứng, sự cởi mở và thăng bằng bên trong, thì rồi đời sống của ta sẽ thực sự hạnh phúc và có giá trị, ngay cả khi chúng ta làm việc. Thay vì lãng phí năng lực vào những tư tưởng và hành động vô ích, chúng ta bắt đầu xây dựng một con đường đạo đức căn bản, bằng cách phát triển trong ta sự thăng bằng thực sự tự nhiên và có ý nghĩa.
Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách chấp nhận và thưởng thức mỗi giây mỗi phút, nhưng phần lớn chúng ta không biết thực hành làm sao? Thưởng thức cuộc đời là cái gì vô cùng quan trọng đối với chúng ta, tuy vậy khi vui thú ta lại lo lắng cho tương lai và đặt ra bao nhiêu mơ ước không bao giờ trở thành sự thực. Như vậy ta sẽ khó lòng hoàn tất được gì cho hiện tại, khi lòng trí ta đặt cả vào tương lai.
Điều này không có nghĩa là ta phải gạt bỏ những kế hoạch khôn ngoan cho tương lai, mà chỉ muốn nhắc nhở là ta cũng phải sống trọn vẹn hơn cho hiện tại. Khi chúng ta quan tâm tự phát triển trong hiện tại đó chính là chúng ta đang xây dựng tương lai cho đến khi hoàn tất. Hiện tại tự nó dẫn ta đến tương lai, và tương lai thay đổi ra sao đều tùy thuộc vào cách ta sống trong hiện tại. Khi ta xử sự một cách tự tin, thì những hành động đó có ý nghĩa, do đó không những cuộc sống hiện tại mà cả tương lai sẽ được quân bình hòa hợp.
Trong hiện tại, chỉ khi nào lòng ta thật sự cởi mở, chúng ta mới ý thức được rằng chúng ta đang có cơ hội để thưởng thức cuộc sống. Chúng ta không cần quan tâm đến tương lai, vì thế nào hiện tại nó cũng dẫn ta đến đó. Nhưng ta thường mù mờ trong hiện tại, có cái gì ẩn nấp đằng sau tâm thức ta, khiến ta chỉ biết phó mặc buông trôi. Trong khi đó, thời giờ và năng lực mất đi, có thể chúng ta không biết cái gì đã xảy ra hôm qua, sáng nay và ngay cả chiều nay trong đời sống của chúng ta. Như vậy rồi chúng ta sẽ trở thành gì đây? Từ nhỏ đến lớn chúng ta đã thay đổi ra sao? Chúng ta có thể nhớ một vài kinh nghiệm nhưng thật ngạc nhiên là rất nhiều thứ ta không thể nhớ, hoặc nhớ mà không chính xác, y như thể ta đang cố gắng nhớ lại giấc mơ hồi đêm qua vậy. Và đó là cách mà chúng ta đang sống trong hiện tại!
Trong một vài lãnh vực của cuộc sống, như trong thương mại hoặc nghề nghiệp, vì lòng ích kỷ thôi thúc, chúng ta tỏ ra rất bén nhạy và sáng suốt. Nhưng trong các lãnh vực khác, chúng ta lại chẳng có một mục tiêu hay đường lối nào cả, tâm thức của chúng ta dường như rất là mơ hồ. Thử nhớ lại lúc còn trẻ, tự hỏi chúng ta có muốn chúng ta được như ngày hôm nay không? Từ lúc hai tuổi đến bây giờ, chúng ta cũng khó lòng biết được cái gì đang xẩy ra chung quanh và bên trong ta. Nếu chúng ta làm việc và hành động theo phương cách người khác muốn ta làm. Chúng ta chỉ bắt chước người khác trong cách làm việc và cư xử, bởi vì rất khó mà quyết định lấy một mình, đặc biệt khi chúng ta không có một viễn ảnh tổng quát cho cuộc đời của ta. Nếu không chịu chấp nhận sự thực là như thế, hiện thời chúng ta vẫn chưa tỉnh ngộ, và như vậy làm sao chúng ta quyết định được cái gì là quan trọng và tại sao lại quan trọng? Có thể đến lúc nào đó, chúng ta sẽ ngừng lo lắng và từ bỏ mọi sự. Nhưng không phải thực sự từ bỏ mà vần còn luyến tiếc trong nỗi thất vọng.
Có hai cách từ bỏ:“Buông xả” những ràng buộc thân quen và “bỏ cuộc” vì khó khăn và thất vọng. Người có tâm lực thâm hậu và lòng rổn rang cởi mở không “bỏ cuộc”, nhưng từ bỏ những câu chấp ràng buộc và vì thế gặt hái được tự do và sự tự tin. Người từ bỏ chỉ vì không tự chủ được trong cuộc sống thì không phải là buông xả hết mình, hắn ta vẫn còn muốn tiến tới theo đuổi xu hướng của hắn, nhưng tạm thời không đủ khả năng và căn đảm, nên để mặc kệ sự việc muốn đến đâu thì đến. Không buông xả thực sự, hắn không sáng suốt để biết đường nào ngay đường nào quấy, nên hắn ta sẽ đau khổ trong sự bất nhất đó. Không hẳn là hắn ta chịu đau khổ về thể xác, nhưng là về tinh thần, khổ tâm vì không chộp giật được cái hắn ao ước. Sự khao khát dục vọng thống trị hắn ta khiến tâm thần trở nên bất ổn phân ly. Đau khổ không những do nỗi đau vật chất mà còn do chính thái độ lệch lạc bất hòa bên trong. Khi chúng ta bị xung đột và áp lực đè nén, đi đến một quyết định nhỏ đơn giản cũng rất là khó. Lúc đó ý thức của ta bị giới hạn, trí nhớ thì trống rỗng. Rồi khi cố gắng có một quyết định, chúng ta lại đau khổ vì thành quả không được như ý muốn. Và giả dụ như có thành công chút ít, chúng ta trở nên tự mãn và ràng buộc ta vào sự kiêu hãnh đó, để rồi lo lắng sợ đánh mất nó đi. Hoặc có thể chúng ta trở nên quá căng thẳng trong dự tính đạt được một vài mục tiêu, hoặc trong nỗ lực hiện thực được một vài mộng ước. Chúng ta sẽ chán ngán thất vọng bởi vì chẳng bao giờ được hết những cái mà ta muốn, dù cái đó chỉ là sự ưng thuận hoặc tình yêu, thành tựu hoặc thành công. Bất kể quay hướng nào, luôn luôn có mâu thuẫn và do dự, chúng ta bị trói chặt giữa đường không biết đi hướng nào cả.
Những mơ hồ bất định đó tạo nên những băn khoăn liên tục bên trong ta, và tâm trí ta trở nên giống như chiếc đồng hồ với những chiếc kim chạy loạn xạ không chỉ được giờ giấc. Cuối cùng ta không còn khả năng quyết định nữa, đầu óc trống rỗng và không còn hướng đi. Chúng ta trở nên thụ động, bất cần và thất vọng. Và ta rất có thể cứ như thế mãi tiến đi trên con đường vô định.
Thường cũng vì thiếu khả năng tự quan sát, chúng ta luôn mù quáng trước đau khổ. Chúng ta cảm thấy khó khăn khi nhìn vào nội tâm để khám phá ra những nét tinh tế qua những kinh nghiệm sống hiện tại. Vì thế dễ dàng cho ta hơn nếu ta quay lại học hỏi những kinh nghiệm trong quá khứ, dẫu sao ta cũng có đôi chút sáng suốt và cởi mở hơn khi ta làm như vậy. Hầu hết chúng ta đều có trải qua những chịu đựng khổ đau trong chu kỳ của cuộc sống bao gồm áp lực, sự buồn tẻ và xáo trộn bất an. Ta tìm cách trốn chạy, nhưng nó đâu có tha chúng ta. Ví dầu có đủ nghị lực và can đảm tự xét mình và mổ xẻ sự đau khổ, ta vẫn thấy những mâu thuẫn kỳ lạ bên trong. Hình như ta chưa sẵn sàng từ bỏ, ngược lại ta vẫn cứ cố nắm giữ “thú đau thương” đó.
Nhưng rồi đến một lúc nào đó, vì quá nhàm chán với thú đau thương, chúng ta có thể quyết tâm dứt khoát với nó. Lúc đó chúng ta mới chịu buông xả những khổ lụy và tỉnh ngộ. Lúc đó sẽ có sự thay đổi nội tâm và vì đó ta mới thấy bao nhiêu sự điên rồ ta đã tự tạo ra cho chính chúng ta. Sự thay đổi nội tâm này đánh dấu một tiến trình học hỏi thực sự.
Chúng ta thường không muốn chấp nhận đau khổ trầm luân trong thế giới. Nhưng trong một ý nghĩa nào đó, đau khổ chính là thày dạy tốt nhất. Chúng ta có thể tìm hiểu mình qua khía cạnh thể chất, tình cảm và tâm linh bằng cách quan sát kỹ lưỡng mọi loại khổ đau mà ta phải chịu. Suy tưởng thì cũng tốt đấy, nhưng có trải qua và trực nghiệm sự đau khổ, chúng ta mới thực sự học hỏi và có lẽ sẽ thấm thía hơn.
Thất vọng và đau khổ giúp ta tự hiểu mình và nhận định rằng sẽ không có cách nào thoát khổ trừ cách đi thấu suốt và vượt qua nó. Khi được thoải mái thường chúng ta không để ý tìm tòi thêm, thế nhưng càng buồn nản và bối rối, ta càng cấp bách muốn thoát ra khỏi. Khổ đau tự nó không giải đáp gì cả, nhưng nhờ nó thúc đẩy ta mới tỉnh ngộ và bắt đầu tu tỉnh để phát khai ý thức.
Như vậy khổ đau phải được coi là một kinh nghiệm tích cực, vì nó tạo cho ta một cơ duyên chuyển biến cảm xúc đưa ta gần lại sự giải thoát. Biết được như vậy ta có thể tỉnh ngộ và tìm được nghị lực và sức mạnh nội tâm giúp nâng đỡ ta mỗi ngày trong quãng đời còn lại.
Ngạn ngữ Tây Tạng có ví một người mà không nhớ được sự vô thường hoặc sự đương nhiên của cái chết giống như một bà hoàng hậu. Thời cổ xưa trong triều đình, hoàng hậu phải duy trì một hình ảnh thản nhiên và tự tin luôn luôn phải bảo vệ cái danh dự và hình ảnh đó của mình. Thế nhưng trong đáy lòng bà, bà có đủ mọi dục vọng và những lo sợ, phải làm hài lòng vua để được sủng ái, để có uy quyền, để không bị thất sủng. Hóa ra bộ mặt thản nhiên thực sự chỉ là giả vờ để che đậy và bảo vệ chính bản thân của hoàng hậu.
Tương tự, chúng ta bề ngoài có vẻ đạo đức đàng hoàng, nhưng bên trong vẫn đầy ham muốn: quyền thế, địa vị và danh tiếng. Chúng ta đâu có nhớ đến sự vô thường của đời sống và sự ngẫu nhiên của cái chết, và như vậy làm sao tự bảo vệ mình trước những dục vọng. Ngược lại khi ta ý thức được lẽ vô thường của cuộc đời, chúng ta có thể sẵn sàng ứng phó với mọi cảnh ngộ mà không bị câu chấp hoặc ràng buộc gì cả.
Khi suy gẫm về sự chết, chúng ta sẽ thấy cái chết tự nó chỉ là một diễn tiến tự nhiên, chưa hẳn là một chấm dứt, mà là một liên tục. Theo thời gian, lúc chết là hiện tại và lúc sống là quá khứ. Đối với những người đã tĩnh tâm đến mức cao thâm, cái chết được chờ đón như một kinh nghiệm tuyệt mỹ giải thoát ta khỏi mọi khổ đau.
Thế nhưng hầu hết chúng ta đều coi cái chết như một mất mát chứ không phải là một cơ duyên, chúng ta sợ đánh mất bản ngã của chúng ta. Chúng ta có cũng một cảm nghĩ đó khi phải từ bỏ những gì thân quen và phong cách sống hằng ngày. Hoang mang sợ hãi vì không biết ta sẽ ra sao nếu không có những thứ đó. Kinh nghiệm sống sờ sờ ra đó, nhưng ta vẫn chưa chuẩn bị để buông xả, để phá chấp.
Ghi nhớ về sự chết có thể tạo nên một “diện năng” nội tâm – có sức cảm ứng ta thực hiện được những việc có tính cách xây dựng. Mỗi lúc trong đời đều rất là quan trọng. Chúng ta sinh sống thế nào? Một phần ba thời giờ dành để ngủ, rồi còn giờ để làm việc, để nói, để ăn, để giải quyết chuyện tình cảm và biết bao mục sinh hoạt linh tinh khác nữa.
Xem xét cẩn thận lại thời khóa biểu ta thấy chẳng còn bao nhiêu thì giờ để xử dụng năng lực tích cực cho chính mình và cho tha nhân. Vì vậy ta cần phải xắp đặt lại giờ giấc, tổ chức lại cuộc sống. Khép mình vào kỷ luật rất cần thiết nếu chúng ta dự định đi vào một cuộc sống xây dựng, không còn xáo trộn tình cảm, tinh thần tiêu cực và khổ lụy nữa.
Thỉnh thoảng một cách đều đặn ta nên rèn luyện sự tập trung và ý thức của ta. Khi nào gặp xung đột giữa thân và tâm, ta hãy tập trung vào nó, hâm nóng nó lên và đi sâu ngay vào giữa vấn đề. Phản ứng như vậy là dấu hiệu tốt nói lên sức mạnh của ý thức. Chúng ta có thể giữ bình tĩnh được trong nhiều trường hợp, nhưng vượt thắng được những cảnh huống đó cũng rất là khó khăn. Nếu chưa có bản năng này, chúng ta sẽ tiếp tục trầm luân với đau khổ và thất vọng, không những ở đời này mà còn ở đời sau nữa. Bởi vì sau khi chết chúng ta còn bị thử thách nặng nề hơn nhiều.
Dù để ý cách mấy, chúng ta cũng chẳng bao giờ biết chắc khi nào ta sẽ chết. Buổi tối ta đi ngủ, liệu ta sẽ thức dậy nữa hay không? Khi chúng ta thở ra, liệu hơi thở có quay trở lại nữa hay không? Khi ta ra đi vui chơi, uống rượu, hút sách, lái xe một vòng hóng mát, biết đâu đó lại là nguyên nhân khiến ta qua đời. Dù có tẩm bổ ăn uống, ta nào có thể trường sinh bất tử. Cho nên rất khó mà tiên đoán ta sẽ còn sống được bao nhiêu! Vì thế, thật là vô cùng quan trọng là hãy bắt đầu quân bình và động viên đời sống của ta ngay bây giờ, kẻo mai mốt già đi, cảm quan yếu dần… Mắt ta chẳng còn nhìn rõ và tai ta cũng mất bén nhạy. Bạn bè rồi cũng không còn năng lui tới và vì già, xã hội cũng bỏ quên ta. Ta cảm thấy như bị đặt ra ngoài lề của cộng đồng.
Trong xã hội này, mấy khi nhìn thấy một già một trẻ đi chung với nhau, vì họ có những quan tâm và năng lực khác nhau. Vì thiếu cảm thông, người già ở giữa chúng ta mà vẫn cảm thấy cô đơn buồn tẻ. Thời gian trôi nhanh lắm và chúng ta có thể sẽ hối hận vì đã đánh mất đi một cơ duyên biến đổi cuộc sống có ý nghĩa. Thường chúng ta vẫn nghe người già than: “Ước gì tôi được nghe lời này hai mươi năm về trước!” hoặc “Tôi đã uổng phí những năm tháng vừa qua và bây giờ thì đã quá trễ.” Đương nhiên là chẳng bao giờ quá trễ, nhưng vì ta đâu có biết ta sẽ còn bao nhiêu thời gian nữa. Vậy tại sao ta không bắt đầu ngay bây giờ? Những tư tưởng trên nghe chừng rất giản dị, nhưng thực ra nó đã được đúc kết bởi bao thế hệ trong dòng lịch sử nhân loại. Vì vậy ta hãy nhớ mà cám ơn rằng ta được sống và có cơ duyên để phát triển ý thức. Ta cũng cám ơn sự đau khổ và lẽ vô thường, vì chúng đã thức tỉnh ta. Đừng ngại đối diện với khó khăn, vì sau khi trải qua, chúng ta sẽ mạnh và tự tin với tiềm năng riêng biệt của mình. Từng bước từng bước, hãy can đảm và tự tin, chúng ta có thể tiếp xúc được với ý thức bên trong (inner awareness) của ta.
Càng thâm tín về lẽ vô thường và tính hư ảo của những cái chúng ta mong ước và chiếm giữ, chúng ta càng hiểu rõ hơn rằng chúng ta đã rời xa khuynh hướng mê hoặc và chiếm hữu. Kết quả thấy rõ là nhờ đó ta không dễ gì bị phân tâm bối rối và bị mê hoặc lôi cuốn vào những gì xảy ra chung quanh ta nữa. Chúng ta có thể đi đến một phân định ưu tiên mới cho cuộc sống, cái gì cần làm trước cái gì cần làm sau. Khi chúng ta bắt đầu hiểu sâu hơn và hăng say hơn, đời sống sẽ trở nên hân hoan và đầy năng lực tích cực mà ta có thể dùng để giúp đỡ và cảm hứng người khác nữa.
Kệ:
Đường đời thất vọng xá chi
Trau giồi kiến thức tu trì cơ may
Vô thường tạo hóa tỏ bày
Tử sinh giác ngộ tâm đầy an vui.
Tartang Tulku
Trích chương thứ 1 trong cuốn Sống Thăng Bằng (Gesture of Balance) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ