Khi Tôi Học Phật

Lời mở đầu

Tôi sống, học tập và làm việc tại Nha Trang từ năm 2002. Từ đó đến nay, tôi đã trải qua khá nhiều biến cố thú vị trong cuộc đời mình. Nhưng trong những thú vị đó, có lẽ cái quý báu nhất mà tôi đã từng gặp đó là cơ duyên được gặp Phật Pháp.

Câu chuyện thứ nhất: Mở đầu

Vào một mùa hè năm 2007, tôi bị quá nhiều ý nghĩ lăng xăng chen đầy đầu óc mình. Đầu óc lúc nào cũng nặng trĩu những nỗi lo âu. Bị quá nhiều những lo lắng vụn vặt hàng ngày của cuộc sống: chuyện cơm ăn, áo mặc, chuyện học hành, chuyện nghề nghiệp, công danh, sự giàu sang, cha mẹ và các em.Tôi đã tìm mọi cách để xua tan những nỗi lo lắng ấy: đi ăn, đi dạo, mua sắm… Nhưng trong từng cử chỉ, hành động đều có vô vàng những ý nghĩa xáo động làm tôi thực sự bất an hơn. Đêm nằm mất ngủ, không yên giấc. Có lắm lúc mở nhạc từ thể loại sôi động cho đến nhẹ nhàng, nhưng cũng chẳng thể nào ngủ được.Lúc đó, tôi đã tìm đến trang webhttp://www.thuvienhoasen.org/ , tải về những tập tin âm thanh mp3 của các loại kinh tụng, cái nào cũng tải về cả (không phân biệt). Đến tối, mình mở lên để nghe, những lời tụng của thầy thoạt đầu mình chẳng biết gì cả, chỉ nghe được mỗi tiếng mõ gõ đều. Hóa ra, cái chẳng biết mới làm mình ngủ yên giấc. Thành thật xin lỗi chư tăng, vì lúc đó tôi đã dùng lời tụng của bậc chư tăng chỉ cốt để ngủ. Lâu dần thì thành thói quen, nhưng ở giai đoạn này, tôi chỉ ngủ với lời tụng đó mà chẳng có chút mảy may, suy tư về ý nghĩa của các câu tụng đó, và đâu có hiểu nghĩa gì trong đó đâu.

Câu chuyện thứ hai: một bài pháp ngắn gọn

Sau những tháng năm dài, khi gặp thất bại với những nghề không thiện cũ, tôi đã đi xin việc làm mới và dời chỗ ở trọ.Khi đến phòng trọ mới, sau khi dọn dẹp xong xuôi những thứ bề bộn trong phòng trọ. Tôi phát hiện trên giường nằm có một cuốn sách nhỏ với nhan đề VÔ THƯỜNG của một vị hòa thượng của Chùa Long Sơn – Nha Trang. Ngạc nhiên và tò mò, tôi đã đọc nó và cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ được đại ý nội dung bài giảng này.“Vô thường, vạn vật trên thế gian thay đổi luôn, có sinh thì có diệt. Kể như mặt đất kia cũng chịu những cảnh đó, mảnh đất trống hay mảnh đất có xây nhà hay mảnh đất bỏ hoang chỉ trong khoảng thời gian ngắn cũng đã đổi thay. Con người, từ bé đến già chết đã có vô khối những sự thay đổi về thân về tâm. Thân thì càng ngày càng già đi, cơ thể rồi cũng sẽ lão hóa và cuối cùng không ai thoát khỏi cái chết. Thân thể này cũng chỉ là tạm bợ, do tứ đại hợp thành, và cũng phải nhờ ngoại tứ đại (đất, nước, gió, lửa) cung cấp thêm vào. Mỗi ngày, có ai không hít thở (không mượn không khí), có ai không ăn uống (cho dù là cây cỏ, hay ăn thịt …), vay mượn rồi lại trả, cái thân đã vậy thì sao bảo là thật có. Cả cái tâm vọng tưởng lăng xăng, bao nhiêu ý nghĩ đến rồi đi, chẳng bao giờ ngừng, như con ngựa không cương lúc nào cũng khởi. Phiền não từ đâu mà ra, chẳng phải vì từ tham, sân, si mà ra, chẳng phải vì do quá ước muốn hạnh phúc cho riêng cái thân này hay sao. Ước muốn ăn ngon, mặc đẹp, thích danh lợi, sự khoe khoang, muốn nhiều tiền tài … Những cái muốn đó nhiều đến mức chẳng chứa vào đâu cho hết, nhưng có bao nhiêu cái ước muốn đó trở thành sự thật, rồi phiền muộn đã đến từ đó chứ đâu…”. Những lời lẽ ấy quý báu vô cùng, tôi thật sự trân trọng nó, nhưng trong cuốn sách ấy cũng còn có những cụm từ mà người sơ cơ như tôi chẳng thể nào hiểu nổi: nào sắc, nào không, nào ngũ uẩn, nào là lục căn, lục trần …. Thật là không sao hiểu được, nên tôi đã tìm mua thêm một số sách tại Nhà Sách Vĩnh Phước Nha Trang, lúc đầu tôi mua về các cuốn sách:Sống với tâm từ 
Phương pháp trường sinh và đạo thiền
Lãnh ngộ Phật tâm
Sống với tâm từ: là cuốn sách do một người Mỹ viết về cuộc hành hương của mình đến xứ sở Phật giáo. Trong sách không đề cập nhiều về phần tôn giáo nhưng sách đề cập khá kỹ về 4 đức tính: Từ Bi Hỉ Xả. Đọc xong cuốn này, mình thấy cuộc đời dường như tươi đẹp hơn, biết cách đối xử với cảnh và người với tâm từ bi, ban vui và giúp đỡ người nghèo khó. Hỉ xả, vui với niềm vui của người, cho dù người đó là ai, Xả – biết buông bỏ những thứ gây ra phiền não, chừng nào giống một mặt hồ tĩnh lặng mới thôi.Phương pháp trường sinh vào đạo thiền: Cuốn này mình mua vì một lý do là thích hai cái từ TRƯỜNG SINH. Thấy hai từ đó là thích rồi, con người mà ai chẳng muốn ham sống sợ chết, mình cũng vậy đó. Chẳng có chi hiện đại và khó khăn: chỉ cần quay về với tự nhiên: cây, hoa, rau, trái… là đủ nguồn dinh dưỡng quý. Tôi nhớ nhất ở trong cuốn sách này là: dạy cho mình cách ăn, cách uống. Ở cái thời @ này mà nghe thấy người khác dạy cho mình cách ăn uống thì chắc bạn cũng phải nằng nặt cười phải không? Tôi cũng vậy đó, là thanh niên mà… Nhưng tôi đã đọc:“Phải uống khi ănphải ăn khi uống”– Đó lại là một cách ăn uống thật kỳ quặt phải không. “Uống khi ăn”: có nghĩa là nhai nhỏ thức ăn rất là nhiều lần đến khi nó giống như nước và uống vào. “Ăn khi uống”: chắc bạn cũng hiểu uống kiểu gì mà cứ nhai nước, rồi mới ngậm vào. Thực ra, “ Uống khi ăn”, giúp cho quá trình tiêu hóa rất tốt, lúc này các tuyến nước bọt mới làm việc hiệu quả, dạ dày cũng bớt khổ hơn. Tôi đã thực tập điều đó, mặc dù không làm đúng hoàn toàn như chỉ dẫn nhưng ít ra tôi cũng biết ăn chậm uống chậm, nhai kỹ. Khi nhai một miếng cơm trắng nhiều lần, tôi đã cảm thấy vị ngọt, chứ không phải như trước đây, tôi chẳng cảm thấy gì cả. Tôi lại liên tưởng đến một câu chuyện khác: có người hỏi đạo là gì? Một vị sư đã trả lời: đói đến thì ăn, mệt thì đi ngủ. Thật là giản dị, cả một câu chuyện ngắn ngủi chỉ nói về chuyện ăn ngủ mà cũng là đạo đó chăng. Đói đến thì ăn: thông thường con người, đói đến đâu có ăn vì trong khi ăn đó, lại suy nghĩ rất là nhiều chuyện tầm phào, rồi nói luyên thuyên chuyện trời chuyện đất, đâu có chú tâm để ăn đâu. Rồi còn phân biệt, món này ngon, dỡ, khen chê đủ điều, đâu có “biết ăn” đâu. Thế đấy, hình ảnh gợi tả thì đơn giản nhưng để sống với cái đơn giản đó thì thật là khó. Nhất là ở những thành phố nhộn nhịp, cuộc sống bon chen như hiện nay, mọi người phải tất bật kiếm tiền để sinh nhai, người ta đã quen với những danh từ như “thức ăn nhanh”, “mì ăn liền”, đi kèm với nó là sự vội vã, nhanh đến chóng mặt trong lúc ăn, nuốt vội, uống vội —- sống vội. Có người vừa chạy vừa ăn ổ bánh mì, có người ăn mới nửa tô phở đã phải đi, có người chẳng kịp ăn sáng, cũng phải vội vàng đến sở làm. Vậy làm sao ta có đạo trong cái nhộn nhịp này, chỉ còn cách để tâm mình lặng xuống, buông bỏ bớt đi thì mới nhẹ gánh, mới an vui.“Mệt ngủ liền: nghe có vẻ cũng đơn giản phải không, nhưng có thực sự đơn giản không. Khi một ngày làm việc mệt nhọc, ta lại cứ suy nghĩ vô khối những ý lăng xăng, ngủ thì mang vào trong giấc mơ những mộng tưởng điên đảo. Ta có ngủ thật hay chăng….

Câu chuyện thứ ba: đi tìm chân lí Sáng ngày 23/05/2010, là buổi sáng Chủ Nhật, như là thường lệ tôi được nghĩ làm một buổi vào các sáng chủ nhật hàng tuần, tôi đã đến chùa Long Sơn thỉnh kinh sách, và được tin Cuộc triển lãm xá lợi Phật tại Nha Trang (Ni Viện Diệu Quang) từ ngày 21-23/05/2010, nhưng trong buổi sáng này, tôi vẫn chưa đi viếng xá lợi Phật. Buổi chiều Chủ nhật, tôi vẫn đi làm việc, nhưng chiều hôm đó cúp điện ở khu vực của tôi làm việc. Đi thong dong, vẫn chưa biết đi đâu…. Đang ngồi hóng mát thì bác xe ôm tới hỏi “Chú có đi đâu không?”, tôi suy nghĩ một lúc lâu và nói “Đi đến chỗ viếng xá lợi Phật trên đường Lê Hồng Phong, nhưng mà con không biết địa chỉ chỗ nào?”. Bác xe ôm bảo: “Chỗ đó thì bác biết, có đi thì bác chở đi”. Vì là đã 15h chiều rồi, mà cuộc triễn lãm hôm nay là ngày cuối cùng, nên tôi đi xe ôm đến đó. Bác xe ôm chỉ lấy đủ phần tiền khi đã trừ ra cho tôi mấy ngàn còn lại để đi xe buýt (lúc này tôi không có nhiều tiền lắm). Tôi đi đến nơi, trước cổng chùa vẫn còn vô số người. Tôi đứng xếp hàng trong hàng dài đến viếng, cái hàng này sẽ đi vòng quanh chùa, một mặt vừa giữ được trật tự chung, một mặt vừa ngắm cảnh chùa, khoảng chừng hơn một tiếng đồng hồ thì tôi mới được vào viếng xá lợi Phật. Ánh sáng xá lợi của Đức Phật đã soi rọi tâm hồn tôi, từ đây tôi đã quyết tâm làm theo những gì mà Phật dạy, sống tinh tấn tu hành, và giữ trường chay mãi mãi.Tôi bắt đầu nghiên cứu kinh điển Đại Thừa: Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Viên Giác, Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật… Tôi tìm thấy chân lý rằng mình nên tu theo con đường Bồ Tát đạo hành trì Lục Ba La Mật (Bố Thí, Trì Giới, Thiền Định, Trí Huệ, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn), sau đó tôi có tập ngồi thiền trong thời gian tìm chân lí này. Quả thật tìm được một pháp tu hợp với mình cũng là một vấn đề khó khăn. Tôi có dịp được xem băng đĩa của HT Thích Thanh Từ, pháp sư Tịnh Không và các bài giảng của thầy Thích Giác Nhàn. Sau khi đã suy nghĩ thấu suốt, tôi quyết định chọn pháp môn Tịnh Độ làm pháp môn mà mình tu. Và cứ thế theo con đường nhất quán, kể từ ngày đó tôi đã chọn một pháp tu và tinh tấn tu hành, không thoái lui, không nhảy lộn xộn từ pháp môn này đến pháp môn khác. Hiện tại tôi niệm Phật mỗi ngày, thân tâm vô cùng an lạc. Quả thật chưa thấy thế giới Cực Lạc nhưng tôi cũng đã cảm nhận được sự hiện diện của nó, khi xung quanh tôi luôn đầy đủ niềm an lạc, dù đi đâu và gặp bất kỳ hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi tôi luôn giữ vững một niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Cảm ơn hồng ân Tam Bảo đã gia trì cho tôi. Và tôi hi vọng rằng, bạn cũng sẽ đi trên con đường giác ngộ! Chúc bạn chọn được pháp môn tu! Chúc bạn mau đạt trên con đường của mình!

Câu chuyện thứ tư: tìm một nơi tu tập tốt, tìm một người thầy tốtTìm kiếm rất là lâu mới thấy một con đường tu, tôi vui mừng khôn xiết. Tôi thầm cảm ơn bồ tát Quan Thế Âm và khẩn cầu rằng: cầu mong Quan Thế Âm Bồ Tát gia hộ cho đệ tử tìm được một nơi tu tập trang nghiêm và một vị thầy đức đạo. Tôi sinh hoạt trên trang web hoibongsen.com, và đã làm quen với đạo hữu Diệu Thành, và được Diệu Thành giới thiệu rằng ở Nha Trang, có chùa Linh Thứu là nơi tu tập rất trang nghiêm, lần đầu tiên đến chùa đó là một buổi tối thứ 2, tôi gặp một người thầy đức độ, uy nghi, và rất hiền từ, thầy đứng đó, tôi cúi chào và nói:– Dạ, con đến đây để tụng kinh và niệm PhậtThầy cười và đáp: Nam mô A Di Đà Phật. Đó là một nụ cười hoan hỉ, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được đối diện với thầy. Buổi tối thứ 2, theo thường lệ là ngày tụng kinh của Hội Pháp Hoa, lúc này chỉ là gồm đa số những người già, đến hàng sau cùng. Các bà cụ khuyên tôi đi lên hàng đầu. Sau này, tôi mới biết, thiện nam tử đứng trên và bên phải, nếu nhiều thì có cả bên trái nhưng đa số đều đứng ở trước, tôi nghĩ đây là quan niệm theo câu “nam tả nữ hữu”, và tôi cũng thấy ở ba bức tượng Tây Phương Tam Thánh cũng vậy, tượng bồ tát Quan Thế Âm đứng bên tay trái của tượng Phật A Di Đà và tượng Đại Thế Chí Bồ Tát đứng bên tay phải của ngài A Di Đà. Cũng thế, trên chánh điện phía trên. Bên phải tượng đức Bổn Sư Thích Ca, là tượng Địa Tạng Bồ Tát, bên trái là tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề. Ngày đầu, tụng kinh có cảm giác thật là lạ, mặc dù, mình đã từng tụng qua kinh Pháp Hoa ở nhà. Nhưng ở đây, tôi cảm thấy có một sự trang nghiêm rất vi diệu. Ngày thứ 3 (ngày hôm sau), khi đến chùa thì gặp anh Tuấn (trưởng Hội Cư Sĩ Áo Lam), anh ấy thấy tôi là người lạ nên hỏi ngay, tôi vui cười và trả lời những câu hỏi về tên tuổi, sống ở đâu. Anh Tuấn là người vô cùng nhiệt tình trong tất cả các pháp sự, anh thường khuyên răn mọi người tinh tấn tu tập. Có hôm tôi không đi công phu, anh ấy hỏi ngay:– Sao sáng nay em không đi công phu khuya? Tôi chỉ thẹn và đáp:– Em chưa quen dậy sớm, nên ngủ quên ạ!Người sống vì mọi người trong đó có anh Tuấn, lại có cả anh Thiện Quốc (trưởng Hội Tịnh Tông Học Hội ở chùa Linh Thứu). Đó là những con người mà tôi vô cùng kính mến. Tôi nguyện noi gương các anh, để tinh tấn nổ lực tu tập và cùng khuyên mọi người tinh tấn tu.Ngày Phật Thích Ca thành đạo, tôi không có gì để cúng dường Phật, thấy mọi người vô cùng hân hoan cúng dường các vị thầy và cúng dường chùa. Tôi cảm thấy hoan hỉ với họ, nhưng tự lòng hổ thẹn, những ngày lễ này mà mình không có lấy chút gì để cúng dường, thật đau khổ quá. Có lẽ, Phật đà thương xót cho, nên tôi mới có dịp cúng dường một cái bóng đèn trái ớt, vì thấy không ai để ý thay cái bóng đèn trái ớt đã cháy hai ngày hôm trước, cho nên tôi mới đi mua bóng để thay, và số tiền cuối cùng còn lại trong ví là 2000đ, chỉ đủ để mua một cái bóng đèn. Tôi cũng đã mãn nguyện vì ít ra mình cũng có cơ hội cúng dường, cho dù cái giá trị vật chất đó chỉ bằng một phần trăm, một phần ngàn so với sự cúng dường của mọi người.Sáng sớm, công phu! Ôi cảm giác thật là sảng khoái khi công phu khuya nhưng để ngủ dậy sớm thì quả thật là một khó khăn đối với tôi. Bởi vì ban đêm, tôi thường làm đĩa DVD tổng hợp, kiểm tra đĩa, ghi đĩa, và đăng tải trên blog nên ngủ hơi muộn ngày nào cũng từ 23h đến mãi 00h mới đi ngủ được. Bởi thế, nên mấy hôm đầu, có bữa đi công phu khuya, có bữa thì ngủ quên tới sáng, cho dù đồng hồ vẫn cứ reo chuông báo thức.Thời gian trôi qua thật nhanh, tôi đã xa Nha Trang, xa các bạn đồng tu thân thuộc.

Câu chuyện thứ năm: tìm một công việc tốtNgày 20/1/2012 tôi về nhà, ăn Tết sau đó dệt chiếu cùng mẹ, tôi cũng có nộp đơn xin việc làm ở Công Ty May nhưng đợi mãi mà họ không gọi lên. Ngày dệt chiếu tôi thường xuyên niệm Phật như mỗi lần, nếu công việc nào không cần phải dùng đầu óc để suy nghĩ tư duy thì tôi thường niệm Phật khi làm. Ngày và ngày trôi qua như thế, đến một hôm tôi thử tính thì mới biết dệt chiếu bán chẳng có là bao nhiêu tiền. Nên tôi nguyện cầu với Bồ Tát Quan Thế Âm rằng: “Cho con có cơ hội được làm việc ở Công Ty May”. Năm phút trôi qua, tiếng chuông điện thoại reo, họ đã gọi tôi vào để đào tạo và làm việc và ngày đầu tiên tôi đi làm ở Công Ty May là ngày 26/3/2012.Dường như, bất cứ khi nào tôi nguyện cầu thì đều như có cảm ứng một cách kỳ lạ như vậy. Có thể bạn nghĩ rằng đó chỉ là những chuyện ngẫu nhiên trùng hợp, nhưng riêng tôi luôn tin rằng câu “hữu cầu tất ứng”, miễn là bạn đừng làm việc vì lợi ích cho riêng mình, làm những việc vì lợi ích cho mọi người thì nguyện cầu nào mà chẳng thành. Chúc các bạn cũng luôn gặp may mắn như tôi.Ngày làm việc ở Công Ty May là những ngày mà tôi niệm Phật nhiều nhất, bởi công việc không đòi hỏi phải dùng đầu óc để tư duy hay suy nghĩ nhiều, chỉ cần là rèn luyện đôi tay cho quen để làm việc cho nhanh mà thôi. Thường thì tôi niệm được khoảng 7 tiếng đồng hồ, còn 2 tiếng kia thì học hỏi và trao đổi công việc với người khác. Buổi trưa, tôi ăn chay nên chỉ dùng tạm các món rau luộc và canh, còn thịt cá thì cho bạn đồng nghiệp. Tôi không suy nghĩ đến việc họ luộc rau bỏ muối hay nêm mắm mà tôi chỉ thuần nghĩ rằng đó là rau tôi ăn, và tôi nguyện cầu cho tất cả những chúng sanh mà mình đã từng mắc nợ thân mạng đều được có cơ hội gặp Phật pháp, có cơ hội thoát khỏi những khổ đau của sự trầm luân trong lục đạo. Và tôi thường hồi hướng công đức tu tập cho họ và cửu huyền thất tổ, cho tất cả chúng sanh, riêng tôi thì tôi cầu sanh về Cực Lạc Thế Giới.

Câu chuyện thứ sáu: hóa giải phiền nãoMình thường thích hai chữ “hóa giải”, bởi hóa giải thì chuyện khó thành dễ dàng, mọi thứ sẽ trở nên hiền hòa, an ổn, mình không thích những cụm từ mang tính chiến đấu như “diệt trừ”, bởi còn có cái tâm khởi lên việc diệt trừ đó, thì cái mình đang diệt trừ ấy lại càng nảy sinh nhiều hơn. Lúc đầu, mới tu tập mình hay gặp nhiều phiền não lắm, bởi lúc đầu mà cứ sung mãn thế nào ấy, có thể cũng một phần do cái tâm tự cao tự đại mà ra, nên cứ cố gắng chứng tỏ mình hơn người là diệt trừ phiền não, tập khí, nhưng càng cố gắng diệt thì lại thấy chẳng tác dụng bao nhiêu. Nên nếu bây giờ mà có phiền não đến, có sự suy nghĩ nào khác trong lúc niệm Phật, thì mình dùng phương pháp mặc kệ, đưa tâm về lại câu niệm Phật thế là xong, không chiến đấu, mà phiền não lại được hóa giải ngay. Thật là vui bởi từ nay mình nhận chân ra rằng: trong bản thân mình vẫn có một thứ bất sanh bất diệt, thường hằng chẳng thay đổi, cho dù bỏ thân xác này, thì cái bản tâm thanh tịnh của mình vẫn chẳng hề bị mất.

Câu chuyện thứ bảy: thanh tịnh nơi không thanh tịnhLãnh lương tháng đầu tiên ở Công Ty Cổ Phần May An Phát, ngày 10/04/2012, thế là mình đã làm việc ở nơi này được một tháng. Những ngày đầu tiên, mình chưa quen nghe tiếng ồn ào náo nhiệt ở Công Ty, nhưng khi đã dụng công niệm Phật và nhất tâm trong công việc, nên khi lên Công ty cũng không còn nghe những tiếng ồn ào đó, thật ra thanh tịnh là từ nơi tâm chứ không phải là từ nơi cảnh. Giờ mới ngộ ra cái câu phiền não tức Bồ Đề là ở đây, giữa chốn đông người mịt mù, nơi náo nhiệt. Mình là con trai, là thanh niên cái lứa tuổi mà dục vọng chi phối lớn, lại ở trong cảnh sắc trần chi phối nhiều, con gái xinh đẹp ở Công ty nhiều chẳng kể hết. Lúc đầu, tâm còn bị động, vì trước giờ chưa từng gặp qua trường hợp như vậy, nhưng sau dần thì quen. Bữa nọ, thằng bạn đồng nghiệp hỏi mình: “Ông thấy đứa con gái hồi nảy đến gần chỗ ông có đẹp không?”. Mình mới trả lời là: “Mình có thấy đứa con gái đó đâu mà biết đẹp hay xấu!”. Thằng bạn nói tiếp: “Thế sao ông lại chẳng thèm nhìn!”, mình mới nói với nó là “Nhìn thì tốn thời gian và tốn sức khỏe ghê lắm!”. Không hiểu thằng bạn mình có hiểu hết câu nói đó không mà nó lại phì cười. Quả thật, mình là người lười biếng quen rồi, chỉ thích ở một chỗ, nhìn cũng một chỗ, thích nhìn lại tự tâm, chứ chẳng mấy thích nhìn ra ngoài, bởi cứ nhìn nhiều lại khởi lên phân biệt, vọng tưởng. Một khi vọng tưởng khởi, phiền não liền đến thì tốn sức khỏe là đúng thôi. Có người đã từng làm thí nghiệm, năng lượng tiêu hao trong 10 phút tức giận tương đương với một người đi bộ khoảng 3000m.Quả thật lúc nào cũng ở trong cảnh giới bên ngoài ồn ào náo nhiệt và nhiều ái dục buộc ràng như thế, nhưng dù sao mình cũng đang trên con đường chinh phục thân tâm, nên luôn quyết tâm chuyên tu để tránh việc khởi tâm đắm nhiễm ngũ dục lục trần. Mỗi ngày, mỗi giờ, và ngay mỗi phút giây, từng phút giây luôn hỏi chính mình tâm ta đang ở đâu, tâm ta đang ở trạng thái nào mới mong thoát khỏi cảnh giới hiện tại. Thế mới tiến dần đến chinh phục câu “Cảnh tùy tâm chuyển”.

Câu chuyện thứ bảy: niệm Phật và làm việc, việc làm vẫn tốt như thường.So sánh mới biết thực chất nếu mình niệm Phật trong lúc làm việc, thì tự nhiên tâm ta ở cảnh giới thanh tịnh, việc làm trở nên rất dễ dàng, nếu bạn là người lần đầu tiếp xúc với máy may thì bạn sẽ thấy máy may có tốc độ kinh ngạc. Nhưng mình đã làm việc và niệm Phật trong lúc làm việc, trong việc làm chỉ có một sự chú tâm cao độ, đôi tay dần trở nên khá quen, đôi mắt nhìn vào đường kim mũi chỉ thấy nó chậm hơn bao giờ hết. Bởi ngay chính lúc này, sức dụng của bản tâm thanh tịnh trở nên rất hữu ích, người đời thường nói làm nhiều thì quen, nhưng mà quên mất một điều là làm nhiều mà không có sự chú tâm thì khó mà quen được. Nếu bạn cũng đang làm việc, thì hãy áp dụng ngay việc tu tập trong công việc, lợi ích đem lại là chẳng thể nghĩ bàn.

Câu chuyện thứ tám:
Tôi chúc mọi người đều tinh tấn tu tập và đạt như sở nguyện, phiền não ngày một giảm, trí huệ ngày một tăng, cho dù bạn tu theo pháp môn nào thì hai chữ “tinh tấn” cũng nên thường nhớ đến.(chuyện đang được viết….)

Phụ lục: TÀI LIỆU HỌC TẬP PHẬT PHÁP DẠNG Ms Word và Pdf (có thể dùng để in A4)Link download: http://www.mediafire.com/?1ngiyfyvcyfix

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ