Nghịch lý

Căn hộ chung cư bốn phòng nhưng phải để nguyên phòng khách rộng cho niềm vui nhà hay khách. Thèm một thư phòng nhưng không thể. Nhà hai người quen sống với chữ nghĩa, mỗi người một thư phòng, lấy đâu ra phòng để ngủ và phòng để cho khách vãng lai? Thôi thì ba phòng ba giường, bàn làm việc đành nho nhỏ để không gian cho giường rộng phục vụ cuộc sống nhiều giao đãi. Hạ nhu cầu xuống nữa đi, thì đã hạ hết mức rồi, tậu chung cư cũ để khỏi phải vắt chân lên viết quàng viết xiên có tiền trả nợ. Nhưng mà vẫn thèm thư phòng, ghế gỗ thư giãn buổi trưa và những chiếc đèn đọc cấu hình ấm áp. Ví như đèn có cái chao giống chiếc nón lá bài thơ, ví như cây đèn có cái chân là chiếc độc bình đặc Việt…Nhưng phòng vẫn cứ chật, đội quân giá sách không thể biến đi, giường cho khách không thể sơ sài, thế là những cái chao đèn trên hộp giường cũng phải phiên phiến loại sáu mươi ngàn một chiếc.
Chạnh lòng quá đỗi khi đến nhiều nhà đã có ăn có để mà có cả những thư phòng. Ở đó không thiếu thứ gì, những tủ sách bằng gỗ quý cửa kính dày, những chiếc ghế đọc cho vợ cho chồng có thảm Ba Tư phủ trên nền gạch, những chiếc buya-rô thênh thang để trang trí và những cuốn sách mua về để trưng bày. Đúng, họ có mọi thứ và có cả bụi bặm nữa để cho thấy thư phòng là để làm cảnh cho vui. Không khỏi hình dung: đây này, bè bạn sẽ đi từ bể bơi lên, cả lũ sẽ ngồi vào bộ bàn ghế bằng mây trên ban-công kia và sau đó, ai đọc ai viết lách cứ việc trong lúc chờ cơm bưng và nước rót từ những người phục vụ thành tâm. Nhưng mà…lắc đầu để tỉnh ra đi. Nhưng mà đây là nhà của người khác còn nhà mình là nhà chung cư, chỗ cho một cái giá đèn còn phải cân nhắc lấy đâu ra bể bơi, ban-công và những người phục vụ cơm bưng nước rót?
Nhớ một học giả thủ đô năm mươi năm gắn liền với một phần tư ngôi nhà từng là biệt thự tịch biên của một người di tản. Ông vừa lòng với không gian một phần tư ấy và mỗi năm, những cuốn sách cứ đầy thêm mãi. Sách ông cần và sách của những người cần ông liếc mắt qua. Ai đến nhà ông xin mời miễn món nước, nói gì đến mời ăn. Không salon, không thư phòng, không giường cho khách, chỉ có ông bên một chiếc buya-rô cũ mèm và chiếc giường sắt cũng già lão, như ông. Nhưng khách gần khách xa không lấy làm ngại, người ta lặng lẽ xếp hàng để được ông tiếp bằng cách không nước không cơm, như một vị vua với những thần dân trong thế giới của ông.
Nhớ một vị thầy đã từng là thầy của biết bao người thành đạt và nổi tiếng. Như mọi người cùng cảnh ăn với sách ngủ cùng với sách, thầy đặt thư phòng bên cạnh giường ngủ, mùi lưu cữu của tuổi già quyện với mùi gián mùi chuột xộc lên quen thuộc. Mỗi chiều thầy đến sân tennis bằng xe đạp, phải đẩy từ nền nhà rất thấp ra mặt đường và lạng quạng đạp đi. Những vị học trò thành đạt của thầy ngồi xe công lướt qua, mỗi chiều, trước khi họ về với vợ con trong những ngôi nhà không thấp kém so với mặt đường. Họ không hoàn toàn vô tâm trước cảnh thầy mình cật lực guồng xe, họ đặc biệt săm sắn khi thấy thầy có tên trong Hội đồng thi ở những lớp tại chức mà họ đang cần hợp thức hóa cho tiêu chuẩn nguồn. Và cứ thế, họ quên và nhớ, thầy cứ thế, cứ guồng xe đi trong chợ đời nhốn nháo để rồi về lại đêm đêm trong thư phòng có chiếc giường xập xệ cùng với đám chuột và gián trung thành.
Một người phụ nữ biết mình ít nhan sắc thì thường lấy chăm chỉ và tốt bụng để bù vào. Nhưng không phải ai đang thừa mứa đều biết nghĩ rằng chắc chắn mình còn thiếu hụt những thứ mà người khác rất dễ nhận ra. Có cần sự công bằng để cuộc đời này không còn nghịch lý không? Xem ra nhìn bằng mắt trần thì đúng là nghịch lý vẫn luôn song hành với thế giới con người, kẻ giàu thì thường ô trọc, người tài thì khốn khó đa đoan. Nhưng cao xanh không nhìn như vậy, trời đã cho thì trời không vô lý bao giờ. Đã sang thì xin chớ ham giàu, đã tài thì đừng mơ suôn sẻ và đã ngộ thì đừng trách mình hẹp hay mình thiệt.
Mọi sự sẽ đâu vào đấy khi ta biết. Người khôn là người biết mình đủ và khi mình thấy đủ, ấy là lúc mình đang có tất cả.    

Tạp bút của Dạ Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ